Gìn giữ những câu hò, điệu lý
Liên hoan Hát ru và Hát dân ca Bình Ðịnh lần thứ IV vừa diễn ra, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Nhiều nghệ nhân, diễn viên tham gia đã cùng góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, qua việc dàn dựng, thể hiện những phần thi đặc sắc, lôi cuốn người xem.
Đậm bản sắc văn hóa truyền thống
Dù ngày càng có nhiều loại hình âm nhạc, giải trí hiện đại, nhưng sức sống của những làn điệu hát ru, hát dân ca vẫn âm ỉ, mạnh mẽ, bởi đây là một phần mạch nguồn văn hóa truyền thống, đã thấm sâu trong tâm hồn bao thế hệ. Những làn điệu hát ru, dân ca đặc sắc của người Kinh, Bana, H’re, Chăm H’roi đã được các nghệ nhân, diễn viên thể hiện ngọt ngào, giàu cảm xúc.
Tiết mục của huyện Tuy Phước đạt giải A tại Liên hoan.
Tuy chỉ có ít thành viên nhưng các tiết mục đội An Lão vẫn thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi qua những lời ca, điệu hát hồn hậu, đậm đà tình cảm. Chị Đinh Thị Gam, hội viên Hội LHPN huyện An Lão, tâm sự: “Chúng tôi mang đến Liên hoan những điệu hát ru, dân ca theo ngôn ngữ của mình để người nghe có thể hình dung rõ nhất về văn hóa của người Bana, H’re ở An Lão. Những điệu hát ru này đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi khôn lớn, rồi cũng là lời tôi ru con mình lớn lên”.
Nét mới của Liên hoan năm nay là sự tham gia của Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Không chỉ đem đến tiết mục đầy xúc động về tình mẹ, Hội còn làm cho các điệu ru thêm sâu lắng, cuốn hút với phần đệm của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn cò, đàn nguyệt. “Khi có lời mời của Hội LHPN tỉnh, mặc dù điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tập luyện để tham gia. Vì tình mẹ là tình cảm thiêng liêng nhất, mẹ gắn với các điệu hát lời ru nên kịch bản của chúng tôi nói về lời ru của mẹ. Chúng tôi thật sự rất vui đã góp một phần nhỏ vào thành công của Liên hoan, cũng như tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc”, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, chia sẻ.
Chung một tấm lòng với di sản
Theo đánh giá của Ban tổ chức, hầu hết các đơn vị tham gia Liên hoan đều có sự đầu tư, chuẩn bị bài bản. Chương trình dàn dựng hợp lý, phù hợp với chủ đề, nội dung đa dạng phong phú. “Nhận thức được vai trò của phụ nữ đối với việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, Hội LHPN TP Quy Nhơn luyện tập, chuẩn bị rất kỹ lưỡng những câu hò, điệu lý để mang đến những tiết mục ấn tượng, mới mẻ nhưng vẫn đậm dấu ấn truyền thống”, chị Nguyễn Thị Thu Thanh, thành viên của đội, cho biết.
Phần lớn các đơn vị tham gia Liên hoan huy động được sự tham gia của các nghệ nhân trong lĩnh vực này ở địa phương. Lớp nghệ nhân lớn tuổi vẫn tiếp tục làm nòng cốt để các diễn viên trẻ học hỏi, mạnh dạn thể hiện trong biểu diễn. Dự Liên hoan, nhiều khán giả và diễn viên ấn tượng với tiểu phẩm “Còn mãi câu hát lời ru”, khi Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Minh Liễu (Tuy Phước) thể hiện nhân vật bà ngoại trong tiểu phẩm, đã có những lời tâm sự tận đáy lòng: “Văn hóa truyền thống dân tộc luôn tồn tại trong tâm hồn của bao đời người dân Việt. Cũng như con cháu được sinh ra trên dải đất miền Trung cần phải biết hô, biết hát những câu bài chòi, mới giữ gìn được nền tảng, bản sắc của quê hương mình”.
Nghệ nhân Minh Liễu chia sẻ: “Lời thoại trong tiểu phẩm cũng là mong muốn của thế hệ nghệ nhân lớn tuổi chúng tôi đối với lớp trẻ. Do đó, tôi vui vẻ nhận lời tham gia Liên hoan để đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào việc bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ sau những làn điệu dân ca, bài chòi, để loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này không bị mai một”.
“Liên hoan lần này đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Ở hát ru, ngoài lớp nghệ nhân lớn tuổi, các diễn viên trẻ cũng thể hiện khá tốt 3 điệu ru đặc trưng của Bình Ðịnh là ru xốc, ru đưa và ru muồi. Các điệu hò, điệu lý được thể hiện khá phong phú như hò giã gạo, hò tát nước, hò ba lý, hò mài dừa, hò khoan, lý vọng phu, lý thiên thai, lý ngựa ô… Ðặc biệt, 4 làn điệu của bài chòi (xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng) được nhiều đội hô rất tốt”.
Ông NGUYỄN AN PHA, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
THẢO KHUY