Nhiều biện pháp “mạnh” ngăn chặn tàu cá vi phạm lãnh hải
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Ðịnh vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ vẫn tiếp tục xảy ra. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu về các giải pháp nhằm kiềm chế và khắc phục tình trạng này.
* Thưa ông, công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp chính để nâng cao ý thức của ngư dân đánh bắt thủy sản không vi phạm lãnh hải. Vậy tỉnh đã có sự chỉ đạo như thế nào để tăng tính hiệu quả của công tác này?
- Hầu hết tàu cá của ngư dân tỉnh ta vi phạm lãnh hải bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ, một phần do ngư dân khai thác ở các vùng biển chồng lấn, vùng đang có tranh chấp. Một số trường hợp khác bị bắt do tàu gặp bão, áp thấp nhiệt đới hoặc tránh bão, tàu bị hỏng máy trôi tự do trên biển dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp và đã bị bắt giữ.
Tỉnh ta đã đăng ký với Chính phủ là đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 sẽ chấm dứt hoàn toàn tàu cá của tỉnh đánh bắt vi phạm lãnh hải các nước. Để thực hiện được điều này, từ đầu năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm. Trong đó, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển, hiểu rõ ranh giới các vùng biển; triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển; hỗ trợ ngư dân máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS), giúp ngư dân xác định chính xác vị trí khai thác, không để xảy ra vi phạm.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là cấp xã phải tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm lãnh hải nước ngoài, gắn trách nhiệm của Đảng ủy xã đối với việc tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải, đưa vào tiêu chí xét thi đua ở địa phương.
* UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18.5.2010 và Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ (về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài), trong đó mức xử phạt vi phạm cao nhất là 150 triệu đồng. Theo ông, vấn đề xử phạt tàu cá vi phạm liệu có khả thi?
- Với mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ và UBND tỉnh đã đề ra thì phải kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa, nhất là phải xử phạt thật nặng các tàu cá vi phạm. Hơn nữa, việc mạnh tay trong xử phạt là để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm lãnh hải nước ngoài, gây dựng uy tín của Việt Nam trong cộng đồng các nước ASEAN. Đồng thời, thể hiện việc cam kết tuân thủ quy định IUU (chương trình cam kết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu), không thể để một số ít cá nhân vi phạm mà ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
BĐBP tỉnh và Tỉnh đoàn tặng cờ Tổ quốc và tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển cho ngư dân xã Nhơn Lý.
Điển hình như đối với 21 tàu vi phạm lãnh hải trong năm 2017, Sở NN&PTNT đã cung cấp danh sách và chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Tổ thẩm định không xét duyệt hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng, Nghị định 67 của Chính phủ; chính quyền các địa phương cũng tổ chức kiểm điểm chủ tàu và thuyền viên vi phạm và buộc chi trả đầy đủ các chi phí đưa ngư dân về nước (đến nay không có trường hợp nào nợ Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài). Đối với 5 tàu cá với 46 ngư dân vi phạm lãnh hải từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND xã Hoài Hải, Tam Quan Nam của huyện Hoài Nhơn; UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát) tiến hành xác minh và lập biên bản về tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ và sẽ có hình thức xử phạt thích đáng.
* Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tàu cá cũng hết sức quan trọng. Vậy để nâng cao chất lượng công tác này, tỉnh ta đã thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
- Trong số các tàu vi phạm lãnh hải có nhiều tàu tuy mang số hiệu Bình Định (BĐ - PV) nhưng lại không đăng kiểm tại tỉnh ta mà phần lớn đăng kiểm và hoạt động tại các tỉnh trong miền Nam. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát danh sách và yêu cầu các tàu này về tỉnh đăng kiểm. Tàu nào không về đăng kiểm sẽ bị xóa khỏi danh sách đội tàu của tỉnh.
Trong 3 năm (2014 - 2016), số lượng tàu cá và ngư dân Bình Ðịnh vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó, năm 2014 bị bắt 14 tàu với 99 ngư dân, năm 2015 bị bắt 32 tàu với 299 ngư dân, năm 2016 bị bắt 37 tàu với 303 ngư dân. Ðến năm 2017 số tàu vi phạm lãnh hải chỉ còn 21 tàu, giảm 43,2%; từ đầu năm 2018 đến nay có 5 tàu cá với 46 ngư dân vi phạm.
Đồng thời, các đơn vị liên quan như BĐBP tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Trong đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên mới được cấp phép đi đánh bắt xa bờ; các tàu cá hoạt động xa bờ 24/24 giờ (đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa), các vùng biển xa thông qua hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh; hệ thống giám sát theo dự án Movimar. Bắt buộc các tàu khai thác hải sản xa bờ (kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với những tàu này khi chưa trang bị hệ thống thông tin theo quy định. Bên cạnh đó, quy định bắt buộc các tàu cá khi hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện xâm phạm vùng biển các nước và có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình tắt thiết bị thông tin liên lạc.
* Xin cảm ơn ông!
HỒNG PHÚC (Thực hiện)