“Phép màu” kinh tế Việt Nam
Đó là những lời khen ngợi “có cánh” của một bài báo đăng trên chuyên trang phân tích của Viện Brookings Institution (Mỹ) tuần qua, ca ngợi những thành tựu kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của thế giới. Cứ 10 điện thoại thông minh trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam.
Bài báo cho biết, cứ 10 smartphone trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Điện thoại di động là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng góp hơn 45 tỉ USD doanh thu xuất khẩu trong năm 2017.
Trong khi kinh tế thế giới lâm vào tình trạng đình trệ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 tăng hơn 190% GDP. Khu vực sản xuất cũng ngày càng mở rộng, tạo 1,5 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2014 - 2016.
Ngoài những yếu tố khách quan góp phần tạo nên “phép màu” của nền kinh tế Việt Nam như: nguồn nhân lực trẻ và rẻ, sự ổn định chính trị, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng toàn cầu, điều quan trọng đó là chính sách hợp lý của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế toàn cầu, gắn kết hội nhập kinh tế với cải cách trong nước, đầu tư vào con người và cơ sở hạ tầng.
Trước hết phân tích qua về chính sách thương mại - được xem là chính sách công nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam.
Việt Nam cùng với Singapore đứng đầu nhóm các nền kinh tế Đông Nam Á tham gia vào các thỏa thuận tự do thương mại song phương và đa phương. Ngoài việc ký kết 16 thỏa thuận tự do thương mại song phương và đa phương, Việt Nam còn là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, ASEAN, và đã hoàn tất các thỏa thuận song phương với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Liên minh Thuế quan Á-Âu. Đầu năm nay, Việt Nam cùng 10 nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các thỏa thuận thương mại này giúp giảm đáng kể hàng rào thuế quan, thúc đẩy nỗ lực cải cách trong nước và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Ước tính có hơn 10.000 công ty nước ngoài, bao gồm những tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel và LG, đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là sản xuất định hướng theo xuất khẩu và cần nhiều lao động.
Thứ hai, Việt Nam đang tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số bằng cách đầu tư vào nguồn lực con người. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm phổ cập giáo dục tiểu học và đảm bảo chất lượng giáo dục đầu ra đã mang lại kết quả. Trong cuộc khảo sát mới nhất Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015, tập trung vào 4 lĩnh vực: khoa học, kỹ năng đọc, toán học và khả năng phối hợp giải quyết vấn đề, Việt Nam được xếp thứ 8 trong số 72 nước.
Thứ ba, Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Bằng chứng được thể hiện qua Chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đã xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN). Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới cũng xếp Việt Nam thứ 68/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 31 bậc so với năm 2014. Việt Nam cũng thực hiện cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, từ mức 32% năm 2003.
Sau cùng, Việt Nam đang đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt lĩnh vực năng lượng và hạ tầng kết nối. Nhờ đầu tư công cao; năng lực phát điện, truyền dẫn và phân phối phát triển mạnh đã đáp ứng nhu cầu trong nước gia tăng nhanh chóng.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt phía trước. Đó là quy mô lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn. Phần lớn lĩnh vực này bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - vốn đóng góp gần 90% kim ngạch xuất khẩu. Sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn yếu…
Tuy vậy, bài báo cho rằng kinh nghiệm của Việt Nam là đáng để các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển học hỏi.
Hồng Hà (theo Brookings)