Ðừng phó mặc con cho internet
Thời gian qua, những video clip với hình ảnh phản cảm gắn mác dành cho trẻ em lan truyền trên internet, một lần nữa cảnh báo các phụ huynh trong việc lựa chọn hình thức giải trí phù hợp cho con em mình.
Một đoạn phim hoạt hình các bé thường tìm xem trên mạng, nhân vật nữ ăn mặc rất phản cảm.
Hiện nay, trẻ em được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất là điện thoại thông minh, được sử dụng với nhiều tiện ích, tiếp cận thông tin, hữu dụng trong việc học hỏi, tìm tòi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó, hệ quả mà việc trẻ em tiếp cận công nghệ hiện đại lại không hề đơn giản. Bởi, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều phụ huynh cảnh báo các em nhỏ thường xuyên xem một đoạn phim ngắn của nhiều nhóm bạn trẻ tự dàn dựng và ghi hình đóng giả nhiều nhân vật nổi tiếng mà trẻ em yêu thích như: siêu nhân, người nhện, công chúa… Thậm chí, nhiều đoạn phim hoạt hình siêu nhân gắn mác “dành cho thiếu nhi”, lại chứa nội dung và hình ảnh phản cảm, dung tục, không phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn hình ảnh siêu nhân không mặc gì thường xuyên giúp đỡ một nhân vật nữ ăn mặc hở hang, có khi nhân vật nữ để lộ bộ phận nhạy cảm, những thước phim này rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Chỉ cần gõ từ khóa siêu nhân, người nhện… thì nhiều đoạn clip này đã hiển thị trước màn hình với nhiều nội dung khác nhau được các bé tìm xem và yêu thích. Chị Huỳnh Thị Minh Ngọc (KV 1, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi có con nhỏ 4 tuổi. Để dỗ cháu ăn, hàng ngày tôi thường cho bé chơi điện thoại hoặc mở cho cháu xem các đoạn phim vui nhộn trên mạng, nhưng sau đó bé lại tự tìm xem nhiều đoạn phim khác. Tôi chỉ nghĩ đó là đoạn phim ngắn vui cho trẻ em nên không để ý nhiều, nhưng sau một thời gian thấy bé có biểu hiện khác lạ, không còn ngồi chơi ngoan nữa, đòi gì đó không được sẽ khóc quấy bằng được hoặc có những hành động đập phá đồ chơi xung quanh. Sau theo dõi, tôi thấy bé hay xem những đoạn phim có nhân vật nữ đóng vai công chúa, chỉ cần không hài lòng điều gì sẽ đập đồ đạc, còn có những nhân vật người thật đóng giả các nhân vật hoạt hình nhưng có những đoạn rất phản cảm. Sau sự việc tôi không dám chủ quan cho con xem các đoạn phim trên mạng, tôi không cho bé tự xem phim một mình như trước”.
Còn chị Trần Thị Dung (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) cho hay dù con chị đã gần 2 tuổi, nhưng bé chỉ nói tiếng Anh theo các bài hát và phim hoạt hình trên mạng. Thậm chí, khi bé đếm số cũng chỉ đọc bằng tiếng Anh. Gia đình lo lắng, đưa cháu đi khám nhiều nơi thì đều kết luận bé phát triển bình thường. Sau một thời gian, chị không cho bé xem điện thoại hoặc các kênh nước ngoài trên tivi thì bé đã tập dần nói tiếng Việt, tuy chưa rõ và chậm nhưng cũng may là phát hiện kịp để thay đổi thói quen của bé.
Qua sự việc của con mình, chị Dung và chị Ngọc khuyên: “Cha mẹ không nên phó mặc con mình cho internet mà phải theo dõi các bé xem gì trên mạng để kịp thời ngăn cấm, vì nếu cha mẹ lơ là có thể bé sẽ bị thay đổi tâm lý do ảnh hưởng bởi xem nhiều nội dung bạo lực, phản cảm mà cha mẹ không hề hay biết”.
KIM CHI