Thủy sản Việt Nam tìm chỗ đứng vững chắc thị trường châu Âu
Việt Nam đã tham gia Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2018 diễn ra từ 24-26.4 tại Brussels, Vương quốc Bỉ.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Triễn làm này là lần thứ 20 Việt Nam tham gia hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới này cũng như đánh dấu 20 năm ngành thủy sản Việt Nam thâm nhập và tìm được chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường châu Âu.
Trong suốt 20 năm qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã đồng hành cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm để hiệp hội hỗ trợ những doanh nghiệp thường xuyên tham dự triển lãm quan trọng này để quảng bá các sản phẩm thủy hải sản Việt Nam tới khách hàng quốc tế. Theo đó, Triển lãm Thủy sản Toàn cầu tại Brussels không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm mà còn là kênh để quảng bá và truyền thông cho cả ngành thủy sản Việt Nam. Tại phiên khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ, ông Vũ Anh Quang đã đến thăm các gian hàng và động viên doanh nghiệp Việt Nam khắc phục khó khăn, tiếp tục nỗ lực chinh phục thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng nhưng cũng rất khắt khe này. Đại sứ cũng khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ sẽ hỗ trợ hết khả năng để tạo thuận lợi cho sản phẩm Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vị trí của mình tại thị trường châu Âu. Năm nay, hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia triển lãm tại Brussels. Trong năm năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia có gian hàng lớn và nằm tại vị trí trang trọng trong khu vực trung tâm, nơi dành cho những nước cung cấp hải sản chính cho thị trường châu Âu. Gian hàng của Việt Nam năm nay quy tụ 23 doanh nghiệp, trong đó có 13 đơn vị chuyên về nuôi trồng và chế biến tôm, hai doanh nghiệp chuyên về cá tra và còn lại là các công ty bán các mặt hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm khai thác từ biển. Bà Tô Tường Lan - Phó Tổng Thư ký VASEP, đánh giá Triển lãm Thủy sản toàn cầu tại Brussels là nơi quảng bá rất hiệu quả cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp họ nắm bắt được xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng. Bà Lan cho biết thị hiếu của khách hàng thay đổi rất nhanh, ví dụ tại thị trường châu Âu thì các sản phẩm giá trị gia tăng túi nhỏ đang là xu hướng rất quan trọng khi người tiêu dùng đang ưa chuộng sản phẩm có thể nấu được ngay, tiếp đó là những sản phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được xu hướng để tăng cường quảng bá những mặt hàng phù hợp và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Những năm gần đây, khách hàng Đông Âu đã biết đến hội chợ và đến đây để gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam, chứng tỏ việc tham gia triển lãm Brussels là rất quan trọng và hiệu quả cho những doanh nghiệp muốn xúc tiến thương mại vào thị trường Đông Âu. Thống kê cho thấy châu Âu hiện là thị trường dẫn đầu của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2017 với kim ngạch 1,5 tỷ USD, trong đó tôm là mặt hàng rất tiềm năng. Năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU gặp hai trở ngại lớn là bị truyền thông bôi nhọ từ đầu năm làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ cá tra, và sự việc EU cảnh cáo "thẻ vàng" liên quan đến vấn đề chống khai thác hải sản trái phép, không theo quy định và không báo cáo (IUU) đối với thủy sản Việt Nam nhưng tổng giá trị xuất khẩu vào EU trong năm vẫn khả quan nhờ việc tiêu thụ mặt hàng tôm tăng mạnh. Dự đoán, 2018 sẽ là năm đầy hứa hẹn của sản phẩm tôm tại thị trường châu Âu. Ngược lại, dù là sản phẩm chủ lực trước đây, song từ khoảng ba năm trở lại đây, sản lượng xuất khẩu cá tra đã sụt giảm khá nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xác định sẽ nỗ lực để giữ thị trường châu Âu. Quy tụ hơn 1.850 đơn vị tham dự triển lãm đến từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kinh doanh thủy hải sản hàng đầu, Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2018 tại Brussels dự kiến thu hút hơn 28.000 lượt khách tham quan, trong đó nhiều đối tượng là các nhà phân phối và chế biến thủy hải sản châu Âu đến để tìm kiếm cơ hội kinh doanh./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)