Giảm gánh nặng chi phí logistics
Dịch vụ logistics (kho bãi, vận chuyển, các thủ tục về hàng hóa) là khâu không thể thiếu để đưa sản phẩm, hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Theo tính toán, chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, chiếm gần 21% GDP, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn đang có nguy cơ tạo gánh nặng tới hiệu quả kinh doanh, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Những con số biết nói
Hội nghị toàn quốc về logistics được tổ chức ngày 16.4 vừa qua nhằm giải quyết một số vấn đề quan trọng, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn. Dịch vụ logistics là tên gọi chung của một nhóm các loại dịch vụ bao gồm vận tải, xếp dỡ, kho bãi, làm thủ tục hải quan và nhiều dịch vụ hỗ trợ khác. Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã đưa ra so sánh đáng chú ý. Một công-ten-nơ 20 phit vận chuyển từ Hải Phòng đến TP Hồ Chí Minh, nếu bằng đường bộ mất 60 giờ, chi phí 34 đến 37 triệu đồng; bằng đường sắt thời gian tăng gấp hai lần, chi phí 12,4 đến 14,3 triệu đồng, còn đường biển mất thời gian tương tự, chi phí 5,2 đến 6,7 triệu đồng. Đây quả thật là những con số "biết nói", lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa các loại hình vận tải hiện nay. Vận tải đường bộ dù giá thành rất cao nhưng chiếm tỷ trọng hơn 77% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt, đường sắt chỉ chiếm 0,42%,...
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 64 trong số 160 nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 đến 16%, là một trong những ngành dịch vụ phát triển mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Ở các nước phát triển, chi phí này chỉ từ 9 đến 14% GDP. Một trong những nguyên nhân lớn nhất đẩy chi phí logistics lên cao chính là vận tải, nhất là vận tải đường bộ. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá, hiện nay, chi phí vận tải đường bộ chưa phù hợp thực tiễn do cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của DN vận tải. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, tính kết nối hạn chế, nhất là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Việc thiếu những cảng cạn (ICD), trung tâm logistics có quy mô lớn, vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, nhất là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, điểm nghẽn làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp phân tích, mặc dù năng lực của DN logistics Việt Nam hiện nay đã được nâng lên nhưng sự phối hợp và kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ rất lỏng lẻo. VLA muốn xây dựng các hình thức hợp tác, thậm chí sáp nhập các DN để hình thành DN mạnh, phối hợp qua sàn giao dịch, tránh xe chỉ chạy một chiều. Hiện nay, tuy sàn giao dịch đã hình thành nhưng tâm lý DN còn e ngại, chưa có ý định tham gia. Theo thống kê của VLA, hiện có khoảng 3.000 DN cung cấp dịch vụ vận tải, nếu tính cả DN có ngành nghề liên quan logistics, số lượng lên đến gần 300 nghìn, tuy nhiên, chủ yếu là DN quy mô nhỏ (khoảng 90% có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng).
Huy động toàn hệ thống vào cuộc
Nhìn nhận DN Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là hiểu rõ đặc thù của thị trường, chuyên gia cao cấp của WB tại Việt Nam Phạm Minh Đức cho hay: Cơ hội của ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam rất lớn, khi đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để đón đầu cơ hội, DN cần sớm có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Thực tế, ngành logistics đòi hỏi quy mô vốn lớn và trình độ kiến thức cao, trong khi, DN Việt Nam thiếu nền tảng kiến thức, không chỉ về vận tải mà còn về quản trị, phương pháp lưu chuyển hàng hóa,...
Trên thực tế, chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hư hỏng,... Khái niệm logistics tuy không mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, chỉ nhận định đơn giản đó là tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu trên đường bộ. Hiện vẫn còn tình trạng tới 40 đến 50% xe vận tải hàng hóa quay về không chở hàng, làm sao chi phí không tăng vọt? Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8 đến 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt từ 15 đến 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 đến 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Vì thế, cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống nhằm tạo chuyển biến về dịch vụ logistics, xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành GTVT và công thương với năm nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ GTVT, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, DN, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, ICDs, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics. Các DN cần chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng và giảm giá phí dịch vụ,... Các hiệp hội cần gắn kết giữa chủ hàng và DN cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho DN logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các bộ ngành, đơn vị, địa phương về logistics, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về logistics, nhằm đưa logistics Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Trong vận tải và logistics đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý và việc loại bỏ không hề đơn giản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chi phí logistics cao vẫn chưa chỉ thẳng ra đâu là trách nhiệm của chủ thể hay cơ quan quản lý Nhà nước. Tại sao có tới gần 90% nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng lại đổ vào đường bộ, trong khi đây là phương thức có chi phí cao nhất? Phân bổ nguồn lực vào chỗ kém hiệu quả nhất, trách nhiệm thuộc về ai?
NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)
Theo MINH TRANG (NDĐT)