XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở XÃ HOÀI ÐỨC (HOÀI NHƠN):
Khó chạm đích vì người dân thiếu nước sạch
Qua gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, xã Hoài Ðức đã đạt 17/19 tiêu chí, theo lộ trình đến cuối năm 2018 sẽ chạm đích nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, người dân nơi đây vẫn chưa có nước sạch sử dụng nên địa phương khó đạt đủ các tiêu chí.
Nước giếng trên địa bàn xã Hoài Đức bị ô nhiễm, dù đã lắng lọc nhưng người dân cũng chỉ dùng để tắm giặt.
Nước giếng bị ô nhiễm
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương hiện có 4.220 hộ dân, với 16.300 khẩu, trong đó có trên 70% hộ thiếu nước sạch, tập trung tại các thôn: Lại Khánh, Lại Khánh Tây, Bình Chương, Bình Chương Nam, Diễn Khánh, Văn Cang. Vì vậy, việc đạt tiêu chí nông thôn mới về nước sạch và vệ sinh môi trường đối với xã là khó.
Những ngày tháng 4 này, khi mùa khô đang vào giai đoạn cao điểm, cũng là thời điểm mà hàng ngàn hộ dân xã Hoài Đức phải đối mặt những khó khăn trong cuộc sống do thiếu nước sạch. Để minh chứng cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng của gần 380 hộ dân trong thôn, ông Mai Văn Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Lại Khánh, dẫn chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (65 tuổi) nằm cạnh chợ Lại Khánh. Ông Tiến cho biết, trước đây giếng của nhà bà Cúc nước rất trong, được bà con lối xóm sử dụng chung, nhưng mấy năm trở lại đây giếng bị nhiễm phèn rất nặng. Bà Cúc cho hay: “Nước giếng bị ô nhiễm nên sau khi bơm lên phải lọc qua bể và chỉ dùng để tắm giặt, còn dùng ăn uống thì phải mua nước bình. Nếu sử dụng tiết kiệm thì 3 ngày dùng hết 1 bình/20 lít, còn cao điểm hoặc lúc nhà đông người thì mỗi ngày 1 bình, bình quân mỗi tháng mất gần 200 ngàn đồng tiền mua nước”.
Cách nhà bà Cúc không xa là nhà ông Lê Văn Hùng. Do giếng đào lâu nay bị nhiễm phèn nên đầu năm 2017, ông Hùng khoan thêm một giếng sâu hơn 40 m cách bờ Nam sông Lại Giang 10 m, nhưng nước khi bơm được một lúc thì ngả màu vàng hoặc màu sẫm, nổi váng và có mùi khó chịu nên cũng không thể sử dụng được.
Thôn Bình Chương Nam là khu vực thiếu nước trầm trọng nhất hiện nay trên địa bàn xã. Toàn thôn có 456 hộ (trên 2.000 nhân khẩu), trước đây đều sử dụng nước từ nguồn mạch sông Lại Giang, nhưng nay nước bị ô nhiễm do việc khai thác cát gây ra. Ông Dương Văn Minh, Trưởng thôn Bình Chương Nam, cho biết: “Toàn thôn có 130 cái giếng đào và 215 giếng khoan, nhưng chỉ có 1 - 2 cái là sử dụng được, nên gần 80% hộ dân ở đây đều phải mua nước bình để dùng hàng ngày. Niềm mong mỏi có nước sạch sử dụng được người dân nhiều lần kiến nghị cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Ông Nguyễn Thân Thế (xóm 1, thôn Bình Chương Nam), bức xúc: “Nước giếng bị nhiễm phèn nên không dám sử dụng, vậy là hàng tháng tôi phải mất 300 ngàn đồng tiền mua nước bình. Chỉ mong nhanh có nguồn nước sạch về thôn để cải thiện cuộc sống người dân, nhất là khi xã đã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Tìm kiếm nhà đầu tư
Địa bàn xã Hoài Đức nằm cách Nhà máy nước Đông Nam huyện Hoài Nhơn (ở xã Hoài Xuân) và Xí nghiệp cấp nước số 2 thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định (ở thị trấn Bồng Sơn) không xa, nhưng lại không có nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Trước những yêu cầu cấp thiết của người dân, năm 2014, chính quyền xã Hoài Đức kiến nghị với UBND huyện phối hợp với Xí nghiệp cấp nước số 2 tiến hành khảo sát, xây dựng đề án cấp nước sạch trên địa bàn xã. Dự toán kinh phí đầu tư hệ thống nước sạch lên đến 10 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cho biết: “Do đề án không nằm trong kế hoạch ban đầu nên không được huyện hỗ trợ, còn nguồn xã hội hóa thì vượt ngoài khả năng của địa phương và nhân dân, nên đành ngậm ngùi chờ đợi. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết và chính đáng của người dân, địa phương đề nghị huyện, tỉnh có phương án hỗ trợ để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch”.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng, do nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Đông Nam huyện và Xí nghiệp cấp nước số 2 về xã Hoài Đức quá lớn, ngoài khả năng của huyện nên chưa thể thực hiện được. Giải pháp trong thời gian tới, để giúp địa phương về đích nông thôn mới trọn vẹn, huyện sẽ trình UBND tỉnh tìm kiếm nhà đầu tư nước sạch theo hình thức BOT, giúp cho người dân xã Hoài Đức sớm có nước sạch sử dụng”.
DIỆP BẢO SƯƠNG