Làm tranh từ gỗ lim thiết
Ðược biết đến với nghề thầy thuốc đông y và chơi cây cảnh, nhưng ông Bùi Văn Thành - thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - lại có niềm say mê khác người: tạo ra những “bức tranh” bằng chất liệu gỗ lim thiết.
Vô tình bắt gặp một cây lim thiết (lim xanh) cổ thụ có đường kính hơn 1m trong vườn nhà một người dân ở xã Phước Sơn, ông Thành nhận ra giá trị và thuyết phục chủ cây lim thiết bán lại. Ông thuê thợ cưa xẻ cây lim xanh xẻ ra từng tấm gỗ dày, nhưng không để đóng thành bàn ghế, hay phản nằm như một số người vẫn thường làm với các loại gỗ quý. Suốt mấy tháng qua, ngày nào ông Thành cũng ngắm nghía các tấm gỗ, hướng dẫn thợ xẻ mỏng thêm ra theo những góc độ, kích thước khác nhau, rồi bào láng và sơn PU để tạo thành các bức tranh.
“Tôi mừng rơn khi thấy những tấm gỗ sau khi xẻ ra rất đẹp nhờ có nhiều nu bông vốn chỉ có ở cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, những đường vân gỗ đủ màu sắc được thiên nhiên tạo tác. Nghĩ gỗ đẹp như thế thì mình nên thử tạo thành những bức tranh tự nhiên như nó vốn có, chứ không tác động nhiều để biến hình đổi dạng như cách người ta làm các loại tranh gỗ”, ông Thành cho biết.
Khác với những tranh ghép gỗ, hoặc những bức tranh gỗ được chạm khắc hình cụ thể, những tác phẩm “tranh gỗ” theo như cách chơi của ông Thành đã giữ gìn nguyên bản những đường nét tự nhiên của gỗ. Hiện, trong nhà ông Thành đang trưng bày mấy chục tấm tranh gỗ có kích thước khác nhau, với những cách nhìn “trừu tượng” về hình ảnh tháp Chăm, vua Quang Trung, rồng, sư tử… Những tác phẩm đã truyền cảm giác thú vị cho người ngắm, để cùng bay bổng trí tưởng tượng theo những đường nét tạo tác mộc mạc, song không kém phần quyến rũ.
Ở tuổi 70, nhiều người thấy ông Thành say mê làm tranh gỗ theo kiểu “khác người” đã cho rằng lãng phí công sức, tiền của. Nhưng, cũng có nhiều người ở trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và ủng hộ thú chơi này. Ông Thành tâm sự: “Tính tôi vậy, đã say mê gì thì phải theo đuổi đến cùng. Tôi chỉ muốn góp phần biến cây gỗ lim thiết bị lãng quên nơi góc vườn thành những tác phẩm tranh mang đậm dấu ấn của “họa sĩ tự nhiên”. Tôi đã mời một nghệ nhân giỏi chạm khắc ở Huế về cùng cộng tác, để làm ra những tác phẩm tranh gỗ có tính mỹ thuật cao hơn, và sẽ đưa tranh gỗ đi triển lãm ở TP Hồ Chí Minh”.
MAI THƯ