Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi
Ngày 24.4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Bình Ðịnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức họp báo về nội dung, chương trình lễ đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5.5 tới đây tại TP Quy Nhơn và định hướng tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy di sản này.
Họp báo lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hà Nội.
Một loại hình nghệ thuật giàu chất nhân văn
Bài chòi là nghệ thuật tổng hợp của âm nhạc, thơ, diễn xuất sân khấu, hội họa, văn học... Nghệ thuật bài chòi là sinh hoạt giải trí của cộng đồng làng xã, mang tính giáo dục cao, đặc biệt là với thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giao lưu và thưởng thức nghệ thuật. Xem bài chòi, công chúng có cơ hội hiểu biết văn học dân gian, chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Tích truyện bài chòi là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc. Nội dung bi hài của loại hình nghệ thuật này phản ánh nhân tình thế thái và phê phán thói hư tật xấu.
Sinh hoạt bài chòi là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền. 9 tỉnh, thành phố miền Trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là quê hương của nghệ thuật bài chòi, tồn tại và duy trì 3 phong cách âm nhạc đặc trưng 3 vùng: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế (trung tâm): chậm rãi, dung dị; Quảng Nam (trung tâm), Đà Nẵng, Quảng Ngãi: nhẹ nhàng, trữ tình, thanh thoát; Bình Định (trung tâm), Phú Yên, Khánh Hòa: mang sắc thái kịch tính. Các thành tố văn hóa, nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục... trong nghệ thuật bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt tinh thần thiết yếu và phổ biến khắp miền Trung.
Duy trì và phát huy giá trị di sản
Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê bài chòi được 9 tỉnh, thành phố và Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng thực hiện từ năm 1998 đến 2015. Nghệ thuật Bài chòi của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam và Phú Yên đã được kiểm kê và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2013 - 2014.
Theo kết quả kiểm kê năm 2014, ở khu vực 9 tỉnh, thành phố kể trên có 1.376 người với 86 đội/nhóm/CLB đang thực hành bài chòi (con số này hiện nay tăng lên rất nhiều). Các nhóm bài chòi tiêu biểu như: Quảng Trạch (Quảng Bình), Triệu Trung (Quảng Trị), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), Sông Yên (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), An Nhơn, Quy Nhơn và Hoài Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên)... Nhiều nghệ nhân nắm giữ, thực hành và trao truyền nghệ thuật bài chòi đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bình Định có 4 Nghệ nhân dân gian: Lê Thị Đào, Minh Liễu, Minh Đức, Hồ Ngọc Tùng, trong đó nghệ nhân Lê Thị Đào và Minh Đức là Nghệ nhân ưu tú. Từ năm 2010 đến nay, nhiều hội thảo, liên hoan, hội diễn bài chòi của tỉnh, khu vực và liên tỉnh được tổ chức tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam.
Trong những năm gần đây, sự hồi sinh của nghệ thuật bài chòi được đông đảo các tầng lớp nhân dân 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa tham gia hưởng ứng, đặc biệt tại Bình Định và Quảng Nam thường xuyên tổ chức hội bài chòi phục vụ nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước. Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ đã và đang đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 7.12.2017, tại Jeju, Hàn Quốc, kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã thông qua hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam”, chính thức đưa loại hình nghệ thuật này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc công nhận, ghi danh nghệ thuật bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng 9 tỉnh, thành phố có di sản về giá trị văn hóa dân gian của loại hình văn hóa phi vật thể này. Điều này còn có ý nghĩa khẳng định vai trò của bài chòi dân gian trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị sáng tạo nghệ thuật Trung Bộ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa quốc tế. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cùng 8 tỉnh, thành có di sản.
* * *
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam”, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo 9 tỉnh, thành phố cùng xây dựng “Đề án bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi”; thực hiện tổ chức tập huấn và kiểm kê di sản hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản; định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi; xây dựng các chương trình truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản; giới thiệu di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở và Trung ương, các cơ quan đại diện văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Nhân rộng mô hình giới thiệu di sản bài chòi tới du khách tại các điểm du lịch ở các tỉnh có di sản.
NGUYỄN THANH QUANG