Từ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch
Việc ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch hứa hẹn giúp giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, góp phần giải quyết nhanh gọn các thủ tục cho người dân.
Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Việc triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khi nhu cầu giải quyết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực này ngày càng tăng.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) hướng dẫn người dân làm thủ tục trên lĩnh vực hộ tịch.
Lợi nhiều mặt
Theo thống kê của Sở Tư pháp, tại UBND cấp xã, trong năm 2017 đã thực hiện đăng ký khai sinh cho trên 25.600 trường hợp, tăng 20% so với năm 2016; đăng ký khai tử gần 9.000 trường hợp, tăng 19%; đăng ký kết hôn gần 10.660 trường hợp, tăng 4%.
Lâu nay, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở cấp xã thực hiện bằng phương pháp thủ công, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải trực tiếp ghi chép vào sổ theo dõi. Một cán bộ tư pháp - hộ tịch ở huyện Hoài Nhơn chia sẻ rằng, vì thực hiện bằng tay nên khó tránh sai sót, thiếu nội dung theo biểu mẫu quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
Trước thực trạng đó, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch được coi như công cụ hữu hiệu giúp cho công tác hộ tịch đi vào quy củ, từng bước hiện đại hóa. Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp), thực tế thí điểm tại 4 địa phương (tỉnh Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng) từ tháng 6.2017 cho thấy, phần mềm đã giúp khắc phục được những mặt yếu kém trước đây trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Phần mềm có thể liên thông ở cả 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, trung ương), đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014, như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử; đăng ký giám hộ, cải chính hộ tịch, cấp bản sao...
Qua phần mềm, tất cả dữ liệu về hộ tịch đều được cập nhật vào hệ thống lưu trữ nên cán bộ chuyên môn dễ dàng truy cập, trích xuất dữ liệu, tra cứu thông tin; xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công tác kiểm tra, cấp giấy, sao lục hồ sơ. “Phần mềm được dùng chung trên cả nước vừa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí và có thể dẫn đến những rủi ro không lường trước trong quá trình khai thác, sử dụng”, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Khẩn trương vào cuộc
Theo Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được Bộ Tư pháp phê duyệt ngày cuối năm 2015, Bộ chủ trương đến năm 2020 sẽ triển khai một phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc, nhằm quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch từ các địa phương. Từ đó sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ CA quản lý.
Để triển khai Đề án, Sở Tư pháp đã thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch và tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, Sở đã mua máy vi tính cấp cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thuộc 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc TP Quy Nhơn và các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Đến hết năm 2017, đã có 51/159 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được trang bị máy vi tính. Trong năm 2018, Sở được phân bổ 1,2 tỉ đồng để trang bị máy vi tính cho 108 công chức còn lại.
Đầu tháng 3 vừa qua, Sở đã có văn bản đề nghị và được Cục Công nghệ thông tin nhất trí phối hợp, hỗ trợ Sở triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Phần mềm sẽ được Bộ Tư pháp cung cấp miễn phí. Ngày 6.4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
“Đưa vào sử dụng phần mềm dùng chung trên toàn tỉnh sẽ thiết lập hệ thống thông tin đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan. Đặc biệt là bảo đảm tối đa lợi ích của người dân”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan nhận định.
MAI LÂM