Phân biệt “kỷ” và “kỹ”
Rất nhiều người viết sai “kỷ niệm” thành “kỹ niệm”, “kỷ luật” thành “kỹ luật”, “kỹ năng” thành “kỷ năng”… vì không phân biệt được “kỷ” và “kỹ” (vì có âm đọc gần nhau). Vậy, làm thế nào để không nhầm lẫn giữa hai từ này?
Trong tiếng Việt, “kỷ” và “kỹ” có nhiều từ. Trong đó, hầu hết đều là từ Việt gốc Hán. Có thể nêu ra một số trường hợp phổ biến như:
Kỷ có các nghĩa: 1. là một trong thập thiên can - kỷ, như trong các từ Kỷ Sửu; 2. mình - như trong các từ: vị kỷ [vì mình], ích kỷ [lợi cho mình], tri kỷ [hiểu mình]); 3. phép tắc, ghi chép, một đơn vị thời gian (bộ mịch, như trong các từ kỷ cương [phép tắc và giềng mối], kỷ luật [phép tắc và luật lệ], kỷ yếu [chi chép những điều quan trọng], kỷ truyện [ghi chép câu chuyện theo lớp lang], kỷ niệm [ghi nhớ], thập kỷ, thế kỷ, thiên niên kỷ, kỷ nguyên); 4. cái bàn nhỏ, cái ghế dựa (bộ kỷ 2 nét, như trong từ tràng kỷ hay trường kỷ).
Kỹ có các nghĩa: 1. tài năng, như trong các từ kỹ xảo, kỹ năng, kỹ nghệ, kỹ thuật, kỹ sư [người có tài khéo bậc thầy về ngành nào đó, về xây dựng và chế tạo], tạp kỹ [tài vặt; các môn biểu diễn như xiếc, ảo thuật]; 2. người phụ nữ làm nghề ca hát thời xưa, như trong các từ kỹ nữ, ca kỹ).
Kỹ trong “kỹ lưỡng” lại là một trường hợp đặc biệt và thú vị của tiếng Việt. “Kỹ lưỡng” trong tiếng Hán có nghĩa là “tài giỏi” (đây là một từ ghép đẳng lập, lưỡng bộ nhân cũng có nghĩa là “giỏi, khéo”). Từ này còn có nghĩa là “thủ đoạn, mánh khóe”. Khi vào trong tiếng Việt, ý nghĩa của từ này thay đổi khá xa. Trong tiếng Việt, “kỹ lưỡng” gần với “kỹ càng”, có nghĩa là “cẩn thận, không để cho có bất kỳ sai sót nào”.
Như vậy, khi gặp những từ có các nét nghĩa như can Kỷ, mình, phép tắc, ghi chép, thời gian, bàn ghế, ta dùng từ kỷ (dấu hỏi). Ngược lại, khi gặp những từ có các nét nghĩa tài năng, người phụ nữ làm nghề ca hát, sự cẩn thận, ta viết kỹ (dấu ngã). Nếu không thể phân biệt được hai từ này trên phương diện ngữ âm (phát âm chuẩn), ta có thể dựa vào ngữ nghĩa của chúng để viết đúng. Thật ra, với những bạn đọc nhiều, viết nhiều, việc viết đúng gần như tự nhiên; nhưng với số khác, ban đầu có thể chậm, nhưng sẽ nhanh quen, chỉ cần thêm một chút cẩn thận, bạn sẽ viết đúng.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ