Phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ còn gọi là thoái hóa mỡ ở gan, là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan >5% trọng lượng gan. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất ít, chỉ khoảng 2% trọng lượng gan, gồm các triglycerit, acid béo, phospholipid, cholesterol…
Đa phần người bệnh tình cờ phát hiện mắc gan nhiễm mỡ trong một lần xét nghiệm máu, hoặc siêu âm. Tại BVĐK tỉnh, thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ tăng cao, chiếm hơn 50% các bệnh tim mạch và nội tiết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ: bị nhiễm độc chất như rượu, thuốc (corticoid, amidaron, diltiazem, tanoxipfen…), do béo phì, ăn uống không đúng cách, mắc đái đường, tăng lipid máu… Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như bệnh viêm gan B, C; viêm đại tràng mãn, hội chứng REYE. Tỉ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng là do sử dụng nhiều rượu bia và lối sống ít vận động. Khoảng 20% trường hợp bị gan nhiễm mỡ dẫn tới xơ gan và khoảng 5% dẫn đến ung thư gan.
Những người bị gan nhiễm mỡ đa phần đều khó phát hiện triệu chứng, bởi tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ. Khi tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, gan có thể tích lớn, bao gan căng ra, thì bệnh nhân có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Trong một số trường hợp rất hiếm, gan nhiễm mỡ cũng có thể gây tình trạng vàng da, buồn nôn và nôn.
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh, mà là một triệu chứng của bệnh gan. Vì thế, việc điều trị chủ yếu hướng đến nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ. Ở bệnh nhân do rượu thì tuyệt đối phải ngưng bia rượu, trường hợp nặng phải cung cấp đầy đủ glucose và năng lượng, sinh tố B1 hoặc dùng thuốc Pentoxifyllime 400mg. Bệnh bị thừa cân béo phì thì áp dụng chế độ ăn kiêng hợp lý, thay đổi lối sống, luyện tập vận động. Với các trường hợp nhiễm thuốc gây độc cho gan thì giảm hoặc ngừng thuốc tùy theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái đường, tăng huyết áp. Điều trị tốt bệnh viêm gan B, C để hạn chế dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ, phải có lối sống lành mạnh, chống thừa cân béo phì như tập thể dục khoảng 30 phút đến 1 giờ/ngày. Hạn chế bia rượu, có chế độ ăn hợp lý, tăng cường nhiều chất xơ, thay mỡ bằng các chất có chứa nhiều acid béo không no như đậu xanh, đậu nành. Đối những người có nhiều yếu tố nguy cơ, phải chú ý các triệu chứng: ăn không ngon, hay đầy bụng, mệt mỏi, lòng bàn tay hay đỏ, có những nốt sao mạch nổi lên ở cổ, lưng, cánh tay. Cần xét nghiệm máu để phát hiện rối loạn lipid máu, nhất là tăng chỉ số triglycerit; siêu âm gan tùy mức độ mà phân độ 1, 2, 3 để bác sĩ có hướng xử lý.
BS TRầN VĂN TRUNG (BVĐK tỉnh)