Nỗ lực giành thắng lợi vụ Hè Thu
Vụ Hè Thu năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định cung ứng phân bón phục vụ sản xuất Hè Thu.
Nhiều khó khăn, thách thức
Vụ Hè Thu (HT) năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 55.414 ha cây trồng các loại (không tính diện tích mì và mía), trong đó có trên 43.000 ha lúa, gần 12.400 ha cây trồng cạn, phấn đấu năng suất lúa HT bình quân 65 tạ/ha.
Theo chính quyền các địa phương, để đạt mục tiêu trên là không đơn giản, bởi nhiều công trình thủy lợi do các đợt mưa lũ cuối năm 2017 gây ra vẫn chưa khắc phục xong để phục vụ sản xuất. Mặt khác, vụ HT này sẽ có nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sản xuất.
Về nguồn nước tưới, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, nhìn nhận, nguồn nước tưới vụ HT này không quá căng thẳng, nhưng do nhiều công trình hồ chứa (Núi Một, Hội Khánh, Hố Cùng) phải hạ thấp mực nước để sửa chữa, nâng cấp, và nhiều điểm thuộc hệ thống kênh tưới Văn Phong phải cắt nước để sửa chữa, nên có thể xảy ra thiếu nước ở nhiều địa phương. Hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo nước tưới cho 47.800 ha cây trồng các loại, trong khi kế hoạch vụ HT năm nay toàn tỉnh sản xuất 55.414 ha. Như vậy, còn 7.614 ha đất sản xuất không đảm bảo nước tưới.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, cho rằng, thời tiết vụ HT thường diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng. Đáng lo ngại là rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu đục thân 2 chấm, mỗi loại sẽ có 4 đợt nở rộ gây hại lúa HT. Ngoài ra, chuột và các loại sâu bệnh cũng sẽ phát sinh gây hại cả lúa và cây trồng cạn.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn, khi các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi… tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây hại vật nuôi. Đồng thời, giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi và thủy sản không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phát triển sản xuất của nông dân.
Chủ động triển khai sản xuất
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thực tế. Vụ Hè, vận động nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân đến đâu tiến hành cải tạo đồng ruộng xuống giống đến đó; hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực: ĐV 108, TBR 36, Khang dân 28, Khang dân đột biến. Vụ Thu xuống giống từ ngày 5 - 15.5, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai trung và dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: ĐV 108, Khang dân đột biến, VTNA 2, TBR1, BĐ 6, Nhị ưu 838, TH3-3, HYT 108. Đối với cây trồng cạn, xuống giống từ ngày 22.5 - 16.6; đảm bảo gieo sạ đồng loạt, tập trung từng cánh đồng để tiện điều tiết nước tưới và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Vụ HT này, toàn tỉnh tiếp tục chuyển đổi 2.814 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn; tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, đậu phụng, mía. Trên cơ sở tiêu chí chung của tỉnh, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng quy mô, tiêu chí phù hợp của từng địa phương trên cơ sở xác định loại cây trồng thế mạnh của từng vùng để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước tưới cục bộ ở một số vùng, cần điều tiết nguồn nước hợp lý; hướng dẫn nông dân bón phân cân đối và phun thuốc BVTV theo quy tắc 4 đúng để lúa và cây trồng cạn sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Thông báo cho chính quyền và nông dân các địa phương biết lịch thời vụ, nguồn giống, cơ cấu giống lúa của tỉnh, phương án tưới… để các địa phương chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ phù hợp. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động nguồn giống, thuốc BVTV để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho nông dân. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nạo vét kênh mương, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do công ty quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất.
Sở NN&PTNT cũng đã thành lập đoàn công tác phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ HT.
PHẠM TIẾN SỸ