Festival Huế 2018: Tổ chức lễ tế trời đất tại đàn Nam Giao
Vào lúc 3 giờ ngày 27.4 (tức 12.3 âm lịch), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng Lễ tế Giao (tế trời đất) tại đàn Nam Giao. Đây là một lễ tế có từ thời nhà Nguyễn nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh vượng.
Lễ tế Giao tại đàn Nam Giao. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Lễ tế Giao là một lễ chính trong Festival Huế 2018, với đầy đủ các nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến dự.
Lễ tế Giao có giá trị văn hóa đặc sắc, với các nghi thức tế lễ như lễ quán tẩy, lễ đón các thần, lễ tế ngọc và lụa, lễ tấn trở, lễ hiến tước, lễ truyền chúc, lễ á hiến, lễ ban phúc, lễ triệt hạ.
Chủ lễ cùng dân chúng dâng lên trời, đất và các vị thần linh mâm lễ phẩm có tam sanh (3 con vật quan trọng chuyên cúng tế ở đàn Nam Giao) là trâu, dê và lợn. Đây là lễ phẩm được dâng lên để tỏ lòng thành với thần linh và trời đất.
Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2018, chủ lễ trong Lễ tế Giao, theo quan niệm của người xưa, trời và đất là hai chủ thể sáng tạo ra nhân loại. Nói cách khác, đất trời tượng trưng cho cha và mẹ. Thế nên, dưới các triều đại phong kiến, hằng năm đều có lễ tế trời đất.
Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự (lễ lớn) của quốc gia tại các nước trong khu vực. Lễ tế này được gọi là tế Giao. Vào tiết đông chí, vua tế trời ở Nam Giao, tiết hạ chí thì tế đất tại bắc Giao, nên tế trời, đất gọi là tế Giao.
Nếu lấy kinh thành Huế làm trung tâm, người xưa phân biệt Giao gồm có bốn vùng Nam, Bắc, Đông, Tây. Với quan niệm: "Thiên phúc địa tải" (đất chở trời che), từ xa xưa, con người phải cúng trời và đất để cầu "quốc thái dân an," "thái bình thịnh trị" và "phong điều vũ thuận" (mưa thuận gió hoà).
Thời các vua Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có quy mô và quan trọng nhất của triều đình. Đàn Nam Giao ngày nay được xây dựng vào năm 1906 về phía Nam kinh thành. Ở đây, nhà Nguyễn cho hợp tế cả trời, đất và tổ tiên.
Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945.
Đàn Nam Giao là đàn tế lớn nhất và duy nhất được xây dựng một cách công phu dưới thời quân chủ. Do lễ tế Giao là một một nét văn hoá đặc trưng của các nước châu Á nên mô thức kiến trúc của đàn Nam Giao cũng thể hiện rõ những triết lý Á Đông, gồm có ba tầng, đại diện cho thuyết "tam tài" Thiên-Địa-Nhân.
Theo QUỐC VIỆT (TTXVN/Vietnam+)