Chi bộ cơ quan cấp xã: Giải thể để khắc phục tình trạng chồng chéo, xa dân
Sau 10 năm thực hiện, mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Ðã đến lúc giải thể tổ chức cơ sở đảng này, đưa đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư để thêm gần dân, sát cơ sở.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW ngày 10.10.2007 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là chi bộ cơ quan cấp xã), 11 huyện, thị, thành ủy đã thành lập 171 chi bộ cơ quan cấp xã, trong đó có 9 huyện, thị ủy thành lập chi bộ cơ quan ở 100% xã, phường, thị trấn.
Các thành viên của Chi bộ cơ quan phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) giúp Chi ủy viên Chi bộ tham gia Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2018.
Ít ưu điểm
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc thành lập chi bộ cơ quan cấp xã đã góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Các chi bộ đã tạo điều kiện cho đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, các chi bộ cơ quan đã gắn quản lý, đánh giá, nhận xét đảng viên với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn, mô hình chi bộ cơ quan cấp xã đã khắc phục được khó khăn trong kiểm điểm công tác và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, so với trước đây sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu phố, làng, nhất là với những người không cư trú trên địa bàn khu dân cư.
Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên cũng có nhiều chuyển biến tích cực từ khi chi bộ cơ quan cấp xã ra đời. Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy An Nhơn Lê Thanh Tùng, công tác phát triển đảng viên được nhiều chi bộ cơ quan xã, phường quan tâm xuyên suốt từ khâu lựa chọn quần chúng ưu tú, phân công đảng viên giúp đỡ, cử đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng đến lập thủ tục hồ sơ đề nghị kết nạp.
Nhiều bất cập
Song, những ưu điểm đó không đủ để khẳng định sự cần thiết phải có thêm một mô hình tổ chức cơ sở đảng trong bối cảnh tinh gọn bộ máy đang là yêu cầu cấp thiết. Ngay cả quá trình thành lập mô hình cũng đã có sự không đồng nhất ở các địa phương. Trước khi có Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW, một số địa phương như Hoài Nhơn đã thành lập chi bộ cơ quan thuộc Đảng bộ xã từ năm 2006. Các xã ở Hoài Nhơn và xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) thành lập 2 chi bộ cơ quan (gồm chi bộ cơ quan đảng - đoàn thể và chi bộ cơ quan chính quyền), trong khi các nơi khác chỉ thành lập 1 chi bộ/xã.
Đáng chú ý, việc xác định mối quan hệ của chi bộ cơ quan cấp xã với cấp ủy viên phụ trách MTTQ và các đoàn thể còn chồng chéo; chưa phân định được thẩm quyền trách nhiệm lãnh đạo nhiệm vụ chính trị đối với các cơ quan nói trên. Cấp ủy chi bộ cơ quan xã Nhơn Hạnh và phường Bình Định (TX An Nhơn) cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến hoạt động của chi bộ còn nhiều bất cập, lúng túng.
“Hầu hết các chi bộ cơ quan đều gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo và tổng hợp, báo cáo hằng tháng, quý, năm vì phải tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhiều cơ quan, đơn vị. Có chi bộ còn chưa phân định nhiệm vụ của đảng ủy xã, phường với nhiệm vụ của chi bộ dẫn đến việc lãnh đạo của chi bộ có nội dung trùng lắp với đảng ủy”, ông Lê Thanh Tùng phân tích.
Còn Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh lại bày tỏ lo lắng, bởi cán bộ xã phải là người gắn liền với thôn, xóm, nhiệm vụ chính trị chủ yếu cũng trực tiếp với người dân ở địa bàn dân cư. Thế nhưng, tách ra sinh hoạt ở chi bộ cơ quan xã thì đảng viên rất khó nắm bắt được tình hình cơ sở nơi mình cư trú. “Đó là chưa kể một số nơi rất chủ quan, chỉ sinh hoạt mỗi tháng một lần, buông lỏng việc sinh hoạt, gắn bó với nơi cư trú theo Quy định 76, tạo dư luận đảng viên xa dân, xa cơ sở”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Ân Phạm Minh Sáng tiếp lời.
Sẽ giải thể!
Ngày 30.3, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội thảo về mô hình chi bộ cơ quan cấp xã và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Phạm Mạnh Khởi đã nêu rõ thực trạng và lý do đề xuất giải thể toàn bộ chi bộ cơ quan cấp xã trên cả nước, nhằm tăng cường quan hệ máu thịt giữa đảng viên và nhân dân, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc góp ý tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tại Bình Định, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết sẽ sớm ban hành công văn về việc giải thể chi bộ cơ quan cấp xã, đưa đảng viên là cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cần tính toán đến hình thức phân công, theo hướng nâng cao chất lượng, sức chiến đấu cho chi bộ, tránh “trả về” một cách cơ học.
“Đảng viên về trực tiếp sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư không nhất thiết theo địa chỉ cư trú. Đảng ủy có thể phân công đảng viên là cán bộ, công chức xã về các chi bộ có ít đảng viên, có biểu hiện mất đoàn kết, hoặc chi bộ khu dân cư có tình hình nổi cộm, phức tạp”, ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Huyện ủy Phù Mỹ mới đây.
NGUYỄN VĂN TRANG