Tây Sơn thúc đẩy phát triển du lịch
Với nhiều tiềm năng du lịch, huyện Tây Sơn chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các điểm đến, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng... nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Tây Sơn). Ảnh: VĂN LƯU
Nâng cấp hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ
Thống kê của Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, toàn huyện có 20 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 2 di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia là Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và tháp Dương Long. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm đến du lịch (DL) như: Khu DL sinh thái Hầm Hô, Khu Đàn tế Trời Đất, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, đập dâng Văn Phong... thu hút nhiều du khách.
Hàng năm, ngành DL Tây Sơn đón hơn 150 ngàn lượt khách tham quan. Hiện lĩnh vực thương mại, dịch vụ và DL đóng góp 12% tổng thu ngân sách của huyện; tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 16%/năm.
Trên địa bàn huyện hiện có 9 khách sạn, 12 nhà nghỉ với 120 phòng lưu trú; trên 50 nhà hàng phục vụ ẩm thực; 2 đơn vị hoạt động DL, trong đó Công ty CP DL Hầm Hô hoạt động chuyên nghiệp, giải quyết việc làm cho 80 lao động ở địa phương.
Trong những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương, Tây Sơn đã đầu tư nâng cấp hạ tầng các điểm DL như: Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế Trời Đất, Đền thờ Mai Xuân Thưởng, Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt, Đền thờ Bùi Thị Xuân, cùng hệ thống di tích lịch sử nhà Tây Sơn trên địa bàn; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối các điểm DL, đường vào các làng nghề truyền thống, các võ đường…
Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, DL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Huyện đang nỗ lực đưa thị trấn Phú Phong trở thành đô thị năng động, hiện đại; từng bước đưa ngành DL phát triển bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Hoàn thiện các nhóm sản phẩm DL đặc trưng
Theo đánh giá của UBND huyện Tây Sơn, địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển DL, song hoạt động DL ở địa phương phát triển chưa tương xứng. Khách DL đến Tây Sơn chủ yếu tham quan trong ngày, lượng khách lưu trú qua đêm rất ít. Thực tế này cho thấy DL Tây Sơn thiếu các sản phẩm DL hấp dẫn để “giữ chân” du khách.
Trong năm 2018 này, huyện lên kế hoạch hoàn thiện các nhóm sản phẩm DL đặc trưng, gồm: Nhóm sản phẩm DL lịch sử tâm linh (Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế Trời Đất, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện...); nhóm sản phẩm DL sinh thái (Khu DL sinh thái Hầm Hô, đập dâng Văn Phong, làng rau VietGAP Thuận Nghĩa...); nhóm sản phẩm DL phi vật thể (các lễ hội, võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn). Đồng thời, huyện cũng chú trọng phát triển các đặc sản địa phương, khôi phục làng nghề truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách.
Huyện sẽ lập quy hoạch tổng thể nâng cấp, trùng tu tháp Dương Long; mở rộng khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt; quy hoạch phát triển khu nhà vườn dọc tuyến đường vào Khu DL sinh thái Hầm Hô và Khu Đàn tế Trời Đất...; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trên địa bàn.
Theo ông Bùi Văn Mỹ, trong quý IV/2018, Tây Sơn sẽ tổ chức hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy phát triển DL, đây cũng là cơ hội để huyện mời gọi các nhà đầu tư tìm hiểu về DL của huyện, mời các DN DL, các chuyên gia... “hiến kế”, giúp huyện tìm được giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển DL Tây Sơn.
THU DỊU