Vĩnh Thạnh: Nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nông dân xã Vĩnh Thịnh thu hoạch đậu phụng vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Ảnh: N.NHUẬN
Theo Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, 5 năm qua (từ 2014 đến nay), huyện đã đầu tư trên 1,16 tỉ đồng xây dựng 21 mô hình khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, được bà con hưởng ứng thực hiện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên lĩnh vực trồng trọt, có 7 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, tổng diện tích hằng năm trên 252 ha, năng suất bình quân 69 - 72 tạ/ha, tăng từ 3 - 5 tạ/ha so với lúa sản xuất đại trà. Mô hình thâm canh cây lúa nước vùng cao đạt năng suất 65 - 67 tạ/ha. Mô hình sản xuất lúa lai đạt năng suất 61 - 64 tạ/ha. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng đậu phụng, ớt, mì, dưa, bắp… đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào miền núi vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện chú trọng hỗ trợ nông dân phát triển mô hình nuôi vỗ béo bò thịt, nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở giai đoạn bê con, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, nuôi cá lồng bè trên sông, hồ…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng bào miền núi cũng đã ứng dụng có hiệu quả các kỹ thuật nuôi bò vỗ béo nhốt tại chuồng; trồng cỏ, bắp non tạo thức ăn cho bò...
Ông Lê Kim Quốc, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Các mô hình khuyến nông được triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên khá giả”.
Nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, UBND huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, triển khai các mô hình khuyến nông mới như: trồng mì giống mới, lai tạo đàn bò, quy hoạch mặt nước nuôi cá lồng bè…, chú trọng hỗ trợ nông dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn cho vật nuôi, các kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh...
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; trong đó, tập trung hỗ trợ vùng liên kết phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo.
NGỌC NHUẬN