Khởi sắc Tây Phú
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tây Phú (trước đây là xã Bình Phú) - huyện Tây Sơn là vùng căn cứ cách mạng, thường xuyên bị quân giặc tàn phá ác liệt. Bây giờ, vùng đất hoang tàn trước đây đã bừng lên sức sống mới…
Nông thôn Tây Phú hôm nay đường sá thoáng đẹp, nhà cửa khang trang. Ảnh: N. HÂN
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, xã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện nhằm phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Xã xác định mũi nhọn là trồng trọt, chăn nuôi gắn với phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Năm 2017, mức tăng trưởng của các ngành sản xuất chính đạt 20%; tổng giá trị sản xuất đạt 304 tỉ đồng, tăng 25% so với Nghị quyết HĐND xã đề ra. Bình quân thu nhập đầu người toàn xã là 31,5 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,99%. Đến nay, Tây Phú đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới, và đang tập trung thực hiện các tiêu chí còn lại để có thể về đích trong năm 2018 này.
Nhờ đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới vào thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên năng suất, hiệu quả đạt khá cao; vụ Đông Xuân năm nay, năng suất lúa bình quân của xã đạt 65,5 tạ/ha. Địa phương đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, đưa các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế vào sản xuất trên diện tích bấp bênh, thiếu nước tưới, đem lại giá trị thu nhập khá. Chăn nuôi được chú trọng phát triển theo hướng thâm canh, tổng đàn bò hiện có 3.542 con, bò lai chiếm 92% tổng đàn; đàn heo 14.078 con; đàn gia cầm 91.100 con…
Tây Phú đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế trang trại, kinh tế VAC, VACR. Tiêu biểu như trang trại của ông Trần Thái ở thôn Phú Mỹ với diện tích rộng trên 100 ha, kết hợp trồng rừng kinh tế, trồng chanh, hồ tiêu và phát triển chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỉ đồng. Trang trại của ông Huỳnh Công Lực, Huỳnh Ngọc Thanh kết hợp trồng măng điền trúc, nuôi cá nước ngọt, nuôi dê, trồng sả, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm…
Xã cũng chú trọng công tác dạy nghề cho nông dân, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống, mở rộng các loại hình dịch vụ... Trong đó, các ngành nghề sản xuất bánh tráng, nấu rượu, sản xuất gạch bằng công nghệ mới khá phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch trên địa bàn xã có mức tăng trưởng khá; khu du lịch Hầm Hô trên địa bàn xã ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết thêm: Trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, xã đã hỗ trợ xóa nhiều nhà tạm, nhà đơn sơ, xây dựng nhà kiên cố cho các hộ chính sách, hộ nghèo. Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề chuyển biến tích cực. Có thể nói, 43 năm sau ngày giải phóng, đời sống của người dân ở Tây Phú đã đổi thay hoàn toàn theo hướng tích cực; KT-XH của địa phương ngày càng phát triển.
N. HÂN