Hoạt động xuất khẩu: Cần nắm bắt xu thế, tận dụng cơ hội
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước đã cơ bản ổn định và đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu bền vững, các DN cần nắm bắt được xu thế hội nhập và tận dụng tốt cơ hội… Ðể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương.
* Xin ông cho biết đôi nét về tình hình hoạt động xuất khẩu thời gian qua?
- Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của hoạt động xuất khẩu (XK); lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD. Tính chung cả năm, XK đạt 214 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 155 tỉ USD (tăng gần 23%); XK của khối DN trong nước đạt 59 tỉ USD, tăng trên 17%. Cơ cấu hàng hóa XK đã chuyển dịch thành công; trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng 81,3%...
Đối với Bình Định, năm 2017, hàng hóa của DN trên địa bàn tỉnh đã xuất sang 83 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng KNXK đạt 740 triệu USD, tăng 5,2% so với năm 2016. Trong đó, có một số nhóm hàng tăng trưởng khá, như: Nhóm hàng lâm sản (KNXK trên 373 triệu USD, tăng 6,6%); nhóm hàng thủy sản (77,3 triệu USD, tăng 10,4%); nhóm hàng công nghiệp, chế biến và tiêu dùng (trên 172 triệu USD, tăng 17,4%)…
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Thị Nại - Quy Nhơn.
* Được biết, bên cạnh những thành tựu, hoạt động XK của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn?
- XK của các DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng KNXK) và vẫn dựa vào khối DN có vốn FDI (chiếm trên 70%). Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm gần 53%). Bên cạnh đó, một số mặt hàng XK của Việt Nam phụ thuộc vào một thị trường duy nhất; sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát nên khó kiểm soát nguồn cung dành cho XK…
Đối với Bình Định, một số sản phẩm dự kiến XK với số lượng lớn nhưng không xuất được (như titan, dăm gỗ); hàng hóa phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, thị trường mới chưa phát triển nên bị ảnh hưởng nặng khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc giảm. Hầu hết các sản phẩm hàng hóa XK chủ yếu là gia công, có giá trị thấp trong chuỗi giá trị chung. Sản phẩm mì lát, dăm gỗ, titan mới chỉ là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, năng lực cạnh tranh thấp, phụ thuộc vào bên mua hàng…
Đáng lưu ý, trong xu thế hội nhập toàn cầu, bên cạnh những cơ hội, các DN trong nước sẽ phải đối diện trước những khó khăn, thách thức, nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU có hiệu lực…
* Cụ thể đó là những thách thức như thế nào?
- Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thương mại toàn cầu năm 2018 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường và cả nguy cơ về cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc. Đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại, trong đó có việc Mỹ áp đặt biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại, hay như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT)…
Khi CPTPP và FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, bên cạnh những cơ hội, các DN trong nước sẽ phải đối diện trước những thử thách không nhỏ. Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, Việt Nam có trình độ phát triển thấp nhất, cơ cấu ngành công nghiệp sản xuất không nhất quán với các điều khoản trong CPTPP. Đồng thời, nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế XK vẫn chưa thể khai thác hết các ưu đãi từ CPTPP. Hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các nước thành viên CPTPP…
* Để hoạt động XK phát triển, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện Đề án phát triển hàng XK tỉnh Bình Định đến năm 2020; Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu đến năm 2020. Thực hiện có hiệu quả các nội dung có liên quan đến hoạt động XK theo tinh thần Nghị quyết 19/CP, 35/CP của Chính phủ. Triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh XK trên địa bàn tỉnh năm 2018; tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình của các DN đang tham gia hoạt động XNK, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm XK, tổ chức đối thoại với DN để kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong hoạt động XNK. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại XK và nâng cao chất lượng công tác thông tin dự báo; nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế XK, các thị trường tiềm năng nhằm đa dạng hóa thị trường XK.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa thủ tục hành chính, đưa các thủ tục hành chính có tác động nhiều tới DN vào thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tổ chức đào tạo nhân lực cho DN, đào tạo DN sản xuất chế biến hàng XK về thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và các mặt hàng chủ lực; áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài. Tổ chức các buổi tọa đàm về XK trực tuyến, về hội nhập kinh tế quốc tế cho DN…
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)