Nên lưu ý phòng bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống là nguyên nhân gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như đau tay chân. Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý lâm sàng rất phức tạp, đa dạng, nhất là trường hợp khối lượng thoát vị quá to gây chèn ép tủy sống, gây biến chứng nguy hiểm.
Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh nguy hiểm. Để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ta nên đi, đứng, nằm, ngồi đúng tư thế; lao động vừa sức.
- Trong ảnh: Một ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng số lượng người mắc phải - với nhiều mức độ khác nhau - lại khá lớn - khoảng 30% dân số. Hiện nay, bệnh thoát vị đĩa đệm thường gặp ở lứa tuổi 20 - 55 tuổi.
Bác sĩ Phạm Thị Phượng- Trưởng khoa Vật lý trị liệu (BVĐK tỉnh) cho biết: “Đĩa đệm là lớp đệm có khả năng đàn hồi nằm giữa 2 đốt sống. Nhờ thế mà cột sống có tính mềm dẻo để thực hiện chức năng vận động. Cấu tạo của đĩa đệm bao gồm vòng sợi bao quanh khối nhân nhầy bên trong, thoát vị đĩa đệm là tình trạng vòng sợi bị rách, nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí giữa 2 đốt sống, gây chèn ép tủy sống hoặc các rễ thần kinh.Bệnh thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở lứa tuổi trên 40, tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao. Vì cùng với sự già đi của cơ thể các đĩa đệm cũng dễ bị thoái hóa, các vòng sợi dễ bị rách gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống. Mặt khác, trọng lượng cơ thể quá cao sẽ gây tăng áp lực lên các đĩa đệm dễ gây tổn thương vòng sợi. Ngoài ra, những người làm công việc phải mang vác nặng, tạo áp lực lên cột sống hoặc những người làm công việc mà cột sống thường phải ở những tư thế như nghiêng, xoay, khom cũng gây thoát vị đĩa đệm cột sống hoặc chấn thương sang chấn mạnh vùng cột sống dễ gây tổn thương các vòng sợi bao quanh nhân nhầy”.
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh thoát vị đĩa đệm: đau tại chỗ vùng cột sống bị tổn thương như đau vùng gáy nếu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; đau vùng thắt lưng nếu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; đau dọc theo rễ thần kinh chi phối; thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ đau từ gáy lan ra vai xuống tay; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đau từ lưng xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân.
Người bị thoát vị đĩa đệm nếu không điều trị kịp thời sẽ bị tê yếu, teo cơ ở phần chi do rễ thần kinh chi phối hoặc chèn ép làm ảnh hưởng chức năng vận động sinh hoạt. Đau kéo dài ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, kinh tế gia đình và chất lượng cuộc sống. Người có những triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc mượn đơn thuốc của người bị thoát vị đĩa đệm để điều trị hoặc điều trị theo phương pháp khác như nắn, chỉnh cột sống của một số thầy lang. Tại bệnh viện thỉnh thoảng gặp một số bệnh nhân sau khi nắn chỉnh xong để lại một số di chứng gây khó khăn trong vận động.
Để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ta nên đi, đứng, nằm, ngồi đúng tư thế. Lao động vừa sức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để điều hòa thể lực, phục hồi đĩa đệm.Tránh tình trạng mang vác vật nặng, gây ảnh hưởng đến sức chịu đựng của cột sống. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, không dùng các chất kích thích. Tập luyện thường xuyên với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,…để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp.Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh về xương khớp.
Đối với người bệnh trong thời kỳ cấp tính, nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Tư thế nằm ngửa trên ván cứng, có đệm ở vùng khoeo làm co nhẹ khớp gối và khớp háng.
Điều trị vật lý và các liệu pháp phản xạ: bao gồm phương pháp nhiệt như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng); dùng các dòng điện tại khoa vật lý trị liệu, điều trị bằng laser; châm cứu. Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, sử dụng máy trị liệu và các bài tập là phương pháp được khá nhiều bệnh nhân áp dụng. Tuy nhiên, vật lý trị liệu cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn nếu không kết hợp dùng thuốc.
Dùng thuốc: Chủ yếu là dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12). Các thuốc này đều có chống chỉ định nên phải do thầy thuốc chuyên khoa sử dụng.
MINH PHƯỢNG