KỶ NIỆM 43 NĂM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ÐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2018)
Vững bước đi lên từ mạch nguồn cách mạng
Những ngày tháng Tư lịch sử, diện mạo trung tâm TX An Nhơn vốn đã khang trang lại thêm phần rạng rỡ. “Thị xã tuổi lên sáu” đang vươn vai với nền tảng vững chắc từ mạch nguồn cách mạng hào hùng và nền móng lịch sử bền chắc.
“An Nhơn có quốc lộ 1A đi qua. Giữa cuối tháng 4.1975, đêm ngày chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe quân sự của đoàn quân Duyên hải nối đuôi nhau dài hàng 3-4 cây số, rầm rập, hối hả chở bộ đội và vũ khí tiến vào phía Nam, có lúc dừng lại nghỉ trong huyện lỵ để tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm rồi tiếp tục lên đường. Rồi tin chiến thắng báo về, một ngày bằng bao năm cộng lại, niềm vui nhân lên trong hạnh phúc trào dâng”.
Chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh được quan tâm đúng mức khiến diện mạo TX An Nhơn ngày càng khang trang.
Hồi sinh
Đó là hồi ức của ông Trần Duy Đức - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Mỹ, Chánh Văn phòng UBND huyện An Nhơn. Cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng quê hương và cả miền Nam, thống nhất đất nước, trong ông sống lại bao dòng hồi tưởng. Ông kể, sau lễ mít-tinh tại sân vận động Đập Đá vào ngày 9.4.1975, UBND cách mạng lâm thời huyện An Nhơn ra đời, chính quyền cách mạng kiểm soát toàn bộ tình hình trong huyện.
Hậu quả chiến tranh để lại thật nặng nề. 3 xã khu Đông - Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn An - thành vùng trắng; sau giải phóng, dân về chẳng có gì để bỏ vào bụng. Điều tra sơ bộ năm 1976, trong 120 ngàn dân của huyện, có đến 40.000 người cần cứu trợ gạo. Huyện xin 100 tấn lương thực từ tỉnh để hỗ trợ cho bà con. Cùng với đó là thuốc, sách vở, cả tranh, tre, nông cụ… được nhân dân các xã phía Tây chung tay đóng góp, giúp bà con dần ổn định cuộc sống.
Tinh thần đoàn kết lại được đánh thức. “Hàng trăm chiến sĩ, hàng ngàn ĐVTN trong toàn huyện thay nhau chi viện cho khu Đông. Đêm ngày khai hoang vỡ hóa đất, tháo dỡ bom mìn, làm thủy lợi, dựng lại trường học, trạm xá, nhà ở”, ông Đức nhớ lại. Làm cuốn chiếu, đất vỡ xong đến đâu gieo trồng đến đó. Đầu năm 1976, mầm xanh đã vươn lên trên hàng ngàn héc ta ruộng đất ở các xã khu Đông.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Mười năm đầu sau giải phóng, chưa năm nào sản lượng lương thực của An Nhơn vượt ngưỡng 50.000 tấn. Thế nhưng, sau thời kỳ đổi mới, con số này đã hơn gấp đôi. Ruộng đồng thắm xanh, phố xá căng tràn sức sống.
Vươn vai
Phát huy truyền thống của quê hương An Nhơn anh hùng, tiếp bước truyền thống của các thế hệ lãnh đạo đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Nhơn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đến cuối năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP về việc thành lập TX An Nhơn và các phường thuộc thị xã.
“Đây vừa là niềm vinh dự to lớn của Đảng bộ và nhân dân An Nhơn, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi thị xã phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhất là trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị để xứng tầm với đô thị trẻ, năng động”, Bí thư Thị ủy An Nhơn Đoàn Văn Phi tâm sự.
Đến nay, sau hơn 6 năm trở thành thị xã, tình hình KT-XH của An Nhơn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt gần 11.000 tỉ đồng, tăng 16,8% so năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 64,8%, thương mại - dịch vụ chiếm 18,9%, nông - lâm - thủy sản chiếm 16,3%. Đáng chú ý, công tác kêu gọi đầu tư thu được kết quả khả quan: 15 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 8.000 tỉ đồng kể từ năm 2015 đến nay.
Từng công trình dần tượng hình, làm cho “thân thể” của thị xã ngày càng cường tráng. Để tạo nên “sắc diện” cho đô thị, phong trào “đường thông, hè thoáng” đã được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả bước đầu. Đến nay, toàn thị xã đã xử lý 4.793 trường hợp vi phạm. Phường Bình Định và Đập Đá đã xây dựng điểm 7 tuyến phố văn minh; 3 phường còn lại là Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành đã hoàn thành việc đặt tên đường và gắn biển số nhà.
Để “đường thông, hè thoáng”, quan trọng là tạo được sự đồng thuận của từng người, từng nhà; bởi, không dễ “động” đến cuộc mưu sinh. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ hô hào suông. Người viết từng dự một buổi đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Kim Quy và Chủ tịch UBND phường Bình Định Nguyễn Anh Dũng với người dân, nội dung chính xoay quanh công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh. Bức xúc, to tiếng có; phân bì, so đo có. Bí thư và Chủ tịch lúc kiên quyết, lúc nhẹ nhàng, dùng lẽ thiệt hơn phân tích, kiên trì tìm đến sự đồng thuận cao nhất.
Riêng trong năm 2017, toàn thị xã đã thực hiện thắp sáng đường ngõ, hẻm tại một số phường với chiều dài 4,63 km; chi phí thực hiện hơn 143 triệu đồng, nguồn xã hội hóa đã gần 110 triệu đồng. Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là đã bê tông hóa gần 67 km đường giao thông nông thôn; tổng chi phí thực hiện gần 27 tỉ đồng thì nhân dân đóng góp gần 11 tỉ đồng!
Khu Di tích chi bộ Hồng Lĩnh - “địa chỉ đỏ” nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt ở An Nhơn.
Vững nền
TX An Nhơn là địa phương có bề dày truyền thống với nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước công nhận. Đây cũng là cái nôi cách mạng, nơi ra đời Chi bộ Hồng Lĩnh - một trong những chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh. Trên từng bước chuyển mình, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp luôn là mối quan tâm lớn, nhận được sự đầu tư “xứng tầm”. Đó chính là nền tảng bền chắc để thị xã đi lên, từng bước vững chãi.
An Nhơn nằm trong số các địa phương được đánh giá cao trong công tác biên soạn lịch sử. Đối với thị xã, đến nay đã xuất bản 3 tập sách: Lịch sử Đảng bộ huyện An Nhơn giai đoạn 1930 - 1975, giai đoạn 1975 - 2010 và “Chi bộ Hồng Lĩnh - Tiền thân Đảng bộ An Nhơn”. Ở cấp xã, phường, có 11/15 xã, phường biên soạn truyền thống đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 2005, 3 địa phương biên soạn giai đoạn 1930 - 2000; riêng Đảng ủy phường Bình Định biên soạn giai đoạn 1930 - 1994, đang triển khai biên soạn giai đoạn 1995 - 2015. Đối với lịch sử ngành, đã xuất bản 3 tập sách “Truyền thống đấu tranh lực lượng vũ trang huyện An Nhơn” giai đoạn 1930 - 2005 và “Truyền thống công an nhân dân huyện An Nhơn” giai đoạn 1930 - 2005, Sổ tay Giáo dục truyền thống của Thị đoàn.
Đặc biệt, công tác đầu tư tôn tạo, xây dựng các khu di tích, nhà lưu niệm ngày càng được lưu tâm. Những năm gần đây, từ nguồn ngân sách tỉnh, địa phương và huy động xã hội hóa, nhiều công trình được tu bổ, xây mới. Đáng kể có Khu Di tích chi bộ Hồng Lĩnh (Nhơn Mỹ), Đền thờ Võ Duy Dương (Nhơn Tân), Tượng đài chứng tích Kim Tài (Nhơn Phong), Mộ tập thể liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng (Đập Đá), Đài Liệt sĩ (phường Bình Định)…
Song, không dừng lại ở đó, quan trọng hơn là nhiều giải pháp cụ thể đã được thực hiện để lịch sử “sống” trong lòng thế hệ hôm nay. Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo tổ chức kết nạp đảng viên, trao Huy hiệu Đảng… tại Khu Di tích chi bộ Hồng Lĩnh. Mới đây nhất, ngày 5.3, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành công văn chỉ đạo tổ chức cho đoàn viên, học sinh dâng hương, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ vào chiều thứ 7 hàng tuần, bước đầu tạo nền nếp. Thị xã cũng đang khảo sát địa điểm, lên kế hoạch xây dựng Nhà tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đi, thấy và cảm, mới nhận ra rằng, truyền thống cách mạng được gìn giữ, trao truyền không chỉ từ ý chí chủ quan. Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà mỗi người dân cũng tự mình có ý thức giữ gìn truyền thống bằng lòng tự hào hết mực. Như ông Trần Văn Chí, bảo vệ của Khu Di tích chi bộ Hồng Lĩnh, từng chia sẻ rằng, từ khi xây dựng đến lúc hoàn thành, ông coi đây như nhà mình, tỉ mẩn, cẩn trọng chăm sóc. Ngày nào cũng mở cửa, luôn sẵn sàng phục vụ dù khách đông hay ít, bởi “có người đến nghĩa là có thêm người biết, nhớ ơn người đi trước để sống tốt hơn” - lời tâm sự thật thà của một người chuẩn bị bước vào tuổi thất thập.
“Thị xã An Nhơn là địa phương có bề dày truyền thống với nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước công nhận. Ðây cũng là cái nôi cách mạng, nơi ra đời Chi bộ Hồng Lĩnh - một trong những chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh. Trên từng bước chuyển mình, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp luôn là mối quan tâm lớn, nhận được sự đầu tư “xứng tầm”. Ðó chính là nền tảng bền chắc để thị xã đi lên, từng bước vững chãi.”
NGUYỄN VĂN TRANG