Cải tiến sản xuất để giữ nghề truyền thống
Tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh, nhiều phụ nữ đã có những cách nghĩ, cách làm để không chỉ nỗ lực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn tích cực bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống ở địa phương.
Lò gốm ở Vân Sơn được vực dậy nhờ nỗ lực phát triển nghề truyền thống của phụ nữ trong thôn.
Sức sống mới
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 51 làng nghề, trong đó có 40 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 7.300 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động, đa số là phụ nữ ở địa phương. Nhiều làng nghề mai một dần, nhưng được phụ nữ địa phương nỗ lực gầy dựng để “sống” được với nghề như: bánh, gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan lát, chiếu cói, chổi dừa… Về thôn Vân Sơn (Nhơn Hậu, An Nhơn), một làng gốm nổi tiếng của Bình Định bao đời nay nhưng đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, sản phẩm ít người sử dụng, thấy lò gốm của gia đình chị Phan Thị Thu Hương (45 tuổi) vẫn đang đỏ lửa. Chị Hương là giáo viên nhưng cùng chồng đã gầy dựng lại nghề, kể: “Tôi và một số người trong thôn liên kết tìm nguồn nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển, xếp lịch nung lò phù hợp để luân chuyển thợ chuốc và trao đổi mẫu mã, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ngoài mẫu mã khách hàng yêu cầu, các lò ở thôn đều tìm tòi, sáng tạo những mẫu bình, nồi, chậu mới kiểu dáng phù hợp để tìm thị trường cho nghề gốm”.
Huyện Hoài Nhơn có khá nhiều sản phẩm truyền thống từ dừa như: xơ dừa, thảm dừa, dầu dừa, bánh tráng dừa… Để phát triển nghề, nhiều DN mạnh dạn đầu tư trang thiết bị chế biến dừa thành những mặt hàng thực phẩm và mỹ phẩm. Chị Trần Thị Hữu, có nghề sản xuất bánh tráng ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Các hộ làm nghề trong huyện đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, kết hợp máy móc với làm thủ công nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bánh tráng dừa được sản xuất theo yêu cầu của bạn hàng, muốn dày, mỏng hay thêm bớt gia vị đều được đáp ứng”. Chị Võ Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc An ở xã Hoài Thanh Tây, cho biết các sản phẩm dầu dừa tinh khiết, bánh tráng nước dừa của HTX được tiêu thụ mạnh trên thị trường cả nước. Đó không chỉ là món ăn truyền thống mang hương vị dân dã của địa phương, mà còn chứa đựng tâm huyết của người dân Hoài Nhơn, đang từng ngày bảo vệ, giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống.
Hỗ trợ cho những làng nghề
Hiện có khá nhiều phụ nữ yên tâm gắn bó với các làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như: làng nghề rèn Tây Phương Danh, TX An Nhơn; làng nghề đan lát Trung Chánh, xã Cát Minh và làng nghề bún, bánh An Phong, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát; làng nghề chiếu cói Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn… Từ các làng nghề, nhiều phụ nữ đã học hỏi được kinh nghiệm, vốn sống và có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hận, làng nghề nón lá ở thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Trở ngại lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn vốn để phát triển làng nghề. Bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện để mua nguyên liệu dự trữ, vì giá nguyên liệu trên thị trường liên tục biến động”.
Những năm qua, các cấp Hội đã tạo điều kiện để chị em vay vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là khôi phục, phát triển các nghề truyền thống. Chị Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cho biết: “Trong số 300 hộ làm nón ở Phú Gia, có trên 70 hộ chuyên làm nón ngựa truyền thống. Hộ nào cần vốn để làm nón, Hội LHPN xã tạo mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục nhanh chóng. Hội cùng chính quyền xã kêu gọi các dự án hỗ trợ phát triển làng nghề của các sở, ngành ở tỉnh giúp cho hội viên”.
Năm qua, Hội LHPN tỉnh đã đứng ra tín chấp với tổng dư nợ do Hội quản lý trên 1.751 tỉ đồng, tạo điều kiện cho 188.467 hộ vay. Tùy theo từng dự án, mỗi hộ được vay từ 10 - 20 triệu đồng, ưu tiên cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay để làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, phát triển làng nghề. Nhờ vậy, trong tổng số hơn 18.800 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp, có 2.709 hộ thoát nghèo.
Tuy nhiên, để chị em có điều kiện vực dậy và phát triển làng nghề ở tầm cao hơn, Hội LHPN tỉnh cần đẩy mạnh phối hợp với sở, ban, ngành hỗ trợ KHKT, quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, nguồn vốn vay cần đa dạng và mức vay cao hơn. Để đầu tư máy móc tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng KHKT, công nghệ mới vào sản phẩm của làng nghề đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhiều chị em không mạnh dạn đầu tư bởi mức cho vay vốn quá thấp.
HẢI YẾN