Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc vẻ vang của nhân dân Việt Nam kể từ Cách mạng tháng Tám 1945. Chiến công vĩ đại ấy là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất là Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã biết khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc suốt chiều dài cuộc kháng chiến.
Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết Để có thể đương đầu và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược - một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, vấn đề khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí, vai trò to lớn, ảnh hưởng quyết định đến sự thành - bại của cách mạng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình trong nước, bối cảnh khu vực và quốc tế có liên quan, Trung ương Đảng đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Hai chiến lược cách mạng đó có mối quan hệ biện chứng đều nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tạo điều kiện đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối kháng chiến này đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nhau đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Trên cơ sở đường lối đúng đắn, Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, đó là thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất riêng phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở từng miền, lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam... ở miền Nam).
Tuy mục tiêu, cương lĩnh cụ thể không giống nhau; hình thức tổ chức cũng như cơ cấu, thành phần có nhiều điểm khác nhau nhưng đều hướng đến xây dựng toàn dân thành một khối thống nhất theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là cơ sở bảo đảm cho sự lãnh đạo vững bền của Đảng, đồng thời phân hóa, cô lập kẻ thù.
Nhân lên sức mạnh đấu tranh
Từ khối đoàn kết thống nhất, sức mạnh đấu tranh được nhân lên gấp bội, biến thành hành động thực tiễn qua phong trào thi đua yêu nước sôi nổi khắp cả nước. Điển hình như các phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”,... ở miền Bắc; “bám đất, giữ làng”, “một tấc không đi, một ly không rời”, “giết giặc lập công”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”,... ở miền Nam.
Bằng sức mạnh đó, quân dân Việt Nam lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (1973) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp kháng chiến.
Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền, quân đội Sài Gòn ra sức phá hoại hiệp định hòa bình vừa mới ký kết, hòng kéo dài chiến tranh xâm lược. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (7.1973) đã khẳng định: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam vẫn là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công để giành toàn thắng.
Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam được Hội nghị Bộ Chính trị (họp cuối năm 1974, đầu năm 1975) chính thức thông qua với quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền đẩy mạnh đấu tranh tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn thắng.
Đại đoàn kết làm nên sức mạnh dân tộc. Ảnh: Bảo Lâm
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc “ra quân” trong mùa xuân 1975 lịch sử. Trong 3 tháng đầu năm 1975, miền Bắc đã dốc sức đưa vào miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải... Sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam thời kỳ này không chỉ tạo nên sức mạnh áp đảo về thế và lực so với quân địch, phục vụ tốt yêu cầu tổng tiến công và nổi dậy mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng vùng giải phóng trên tất cả các mặt: Kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế,... và chuẩn bị cho việc tiếp quản vùng giải phóng khi chiến tranh kết thúc. Đó thực sự là một trong những biểu tượng rõ nét cho tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam, tô đậm thêm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Làm nên thời khắc lịch sử Được sự chi viện to lớn của miền Bắc, trên khắp chiến trường miền Nam, quân dân ta ra sức chuẩn bị các mặt cho trận đánh lớn quyết định cuối cùng. Chưa bao giờ, các phong trào đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao diễn ra sôi nổi như thời gian này, đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn lún sâu hơn vào tình thế khó khăn, hoàn toàn bị cô lập. Sức mạnh chiến đấu của hơn 20 năm được dồn lại cho thời khắc lịch sử này. Ngày 4.3.1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bắt đầu diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 đến 24.3), đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29.3) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30.4). Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cả chặng đường 30 năm đấu tranh trường kỳ gian khổ (1945-1975). Đó cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện toàn dân đoàn kết một lòng, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trần Hữu Huy - Viện lịch sử quân sự Việt Nam
Theo HNM