Tuy Phước phát triển dịch vụ cơ giới trong nông nghiệp
Nhiều nông dân ở huyện Tuy Phước nhìn nhận, việc làm ruộng hiện nay đã “khỏe” hơn trước rất nhiều nhờ có các loại máy móc hỗ trợ, từ khâu làm đất, xuống giống, đến thu hoạch.
Vừa thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân, ông Nguyễn Minh Nhân, ở xã Phước Thắng cho hay: “Tui làm 3 sào, các khâu đều cơ giới hóa. Thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch hết 300 ngàn đồng (khoản này mình bán rạ đủ trả), thuê máy cày chở lúa về nhà hết 200 ngàn đồng/1,2 tấn lúa. Việc thu hoạch bằng máy lại nhanh, ít rơi rụng, hao hụt”.
Dịch vụ cuộn rơm bằng máy sau thu hoạch. Ảnh: X.THỨC
Anh Phan Văn Nam, chủ máy gặt đập liên hợp ở xã Phước Thắng, bộc bạch: Địa phương có gần 1.000 ha chuyên sản xuất lúa. Trước đây cứ đến mùa thu hoạch cần đến một lượng lớn lao động các nơi về gặt thuê, thời gian thu hoạch kéo dài đến 2 tháng. 3 năm trở lại đây, nhiều hộ mua máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ, giúp khâu thu hoạch rút ngắn còn nửa tháng là xong; ruộng đất có thời gian nghỉ nên cắt cầu nối sâu bệnh, năm nào làm 2 vụ cũng được mùa, mình cũng có việc làm, thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Văn Hậu, cũng ở Phước Thắng, cho hay: Tui đầu tư hơn 240 triệu đồng mua máy cày kèm rơ moóc, cứ đến thời vụ làm đất mình cày thuê lấy lúa, đến mùa thu hoạch thì làm dịch vụ vận chuyển lúa từ ruộng về nhà; trừ chi phí xăng dầu, thuê thêm công lao động, cũng còn vài triệu đồng/ngày.
Còn anh Nguyễn Văn Hải, ở xã Phước Sơn, mua máy cày và máy cuộn rơm làm dịch vụ cuốn rơm và mua bán rơm cuộn, cho thu nhập khá. Anh thổ lộ: “Cách đây 3 năm, thấy máy cuốn rơm của HTXNN Phước Hưng hoạt động hiệu quả nên tui đầu tư máy móc làm dịch vụ, nói chung thu nhập hiệu quả, chừng 3 năm là thu hồi vốn”.
Có thể nói, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
XUÂN THỨC