Khởi sắc Nho Lâm
Cuối tháng 4, chúng tôi về lại thôn Nho Lâm, xã Phước Hưng (Tuy Phước) nơi mà hơn 52 năm trước, 134 đồng bào vô tội đã bị thảm sát vào rạng sáng 23.3.1966 tại am Xác Luyến.
Theo một số cụ cao tuổi trong thôn, Nho Lâm có một gò nổi giữa ruộng, là nơi ở của 4 gia đình gồm: Mai Thị Mười, Nguyễn Yêm, Nguyễn Thị Được, Trần Ngàn. Ở đây còn có một cái am, gọi là am Xác Luyến, được bà con tin là rất linh thiêng, nên mỗi khi có địch càn quét thì thường về lánh nạn. Nghe vậy, lính Nam Triều Tiên đã tập trung nhiều người tại đây, gồm đàn ông, đàn bà, người già và trẻ em rồi ngang nhiên xả súng vào họ, đốt phá xóm làng. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, bọn chúng đã sát hại 134 đồng bào vô tội. Nho Lâm trở nên điêu tàn, xác xơ.
Một cánh đồng mẫu lớn ở Nho Lâm.
Từ trong đau thương đổ nát, những người dân may mắn sống sót tiếp tục kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ làng. Sau ngày hòa bình lập lại, bà con bắt tay vào xây dựng quê hương. Để tưởng nhớ những người dân vô tội bị thảm sát và vạch rõ tội ác dã man của đế quốc Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên, năm 1991, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã xếp hạng Di tích thảm sát Nho Lâm là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Phát huy truyền thống vẻ vang trong đấu tranh giải phóng đất nước, 43 năm qua, người dân Nho Lâm cùng với Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hưng đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ông Đặng Văn Hảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nho Lâm, cho biết: “Nho Lâm hôm nay đổi thay nhiều lắm. Đường bê tông đã chạy về các ngõ, ngách xóm làng. Đặc biệt, từ khi xã Phước Hưng đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ở đây khang trang hơn, kênh mương bê tông dẫn nước vào đồng ruộng làm nên 2 mùa lúa tốt tươi. Bà con ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đem lại thu nhập cao”.
Đến nay, 100% hộ dân ở Nho Lâm được dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm đã được bê tông hóa đến 95%. Hệ thống kênh mương nội đồng cung cấp đủ nước tưới cho 115 ha ruộng lúa trong thôn. Bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện hỗ trợ, xã Phước Hưng đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng gia cố 1,5 km tuyến đê sông Gò Chàm đi qua thôn, để các hộ dân sống trong vùng yên tâm mỗi khi mưa lũ về.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhờ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng KHKT vào sản xuất nên sản lượng lúa luôn tăng mỗi năm. Riêng vụ sản xuất Đông Xuân 2017-2018, bà con thôn Nho Lâm đã bội thu với năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha; 30 ha cánh đồng mẫu lớn có năng suất trên 85 tạ/ha, cao nhất toàn huyện.
Không chỉ dựa vào đất nông nghiệp, bà con còn tận dụng đất gò đồi, đất ven sông, đất vườn trồng hơn 30 ha hoa màu các loại và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Toàn thôn có 610 hộ thì đã có 2/3 số hộ có kinh tế khá giả; hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 25 hộ.
43 năm sau chiến tranh, mảnh đất hoang tàn và đẫm máu ngày xưa giờ đã phủ kín màu vàng của lúa Đông Xuân đang trĩu hạt. Nho Lâm đang từng ngày thay da, đổi thịt.
LỆ HIỀN