Âm vang nghệ thuật bài chòi
Tối 5.5 tới, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) sẽ diễn ra Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Buổi lễ là niềm tự hào của Bình Định nói riêng và người miền Trung nói chung đối với loại hình nghệ thuật dân gian này.
Ấm tình miền Trung
Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UBND tỉnh Bình Định và Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, TP Đà Nẵng tổ chức.
Hội đánh bài chòi ở Chợ Gò (Tuy Phước).
Theo Ban Tổ chức, Lễ là dịp để tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của nghệ thuật bài chòi Trung bộ đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, khơi gợi lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại; góp phần phát triển KT-XH các tỉnh Trung bộ.
Được biết ngoài 30 nghệ nhân dân gian của tỉnh Bình Định còn có các đoàn nghệ nhân từ các tỉnh có chung di sản góp mặt tại buổi lễ. Cùng với đó là hàng trăm diễn viên đến từ Đoàn nghệ thuật Sao Biển, Đoàn nghệ thuật Khánh Hòa, Đoàn nghệ thuật Quảng Ngãi, Đoàn nghệ thuật Quảng Nam, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Trường VHNT Bình Định, Trung tâm VH-TT&TT Bình Định, Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định…, hứa hẹn đem đến cho khán giả những hoạt cảnh, tiết mục đậm đà, gần gũi của nghệ thuật bài chòi nói riêng và văn hóa Trung bộ nói chung.
Về nơi nguồn cội bài chòi
Chương trình nghệ thuật Âm vang nghệ thuật bài chòi có cấu trúc 3 chương. Chương 1 “Về nơi nguồn cội bài chòi” - giới thiệu bài chòi từ lúc sơ khai đến khi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần người miền Trung. Chương 2 “Bài chòi - hồn cốt văn hóa miền Trung” - khẳng định bài chòi đã đi vào thẳm sâu văn hóa, sinh hoạt của con người Trung bộ. Chương 3 “Ngàn năm nhịp phách bài chòi còn vang” là phần văn nghệ quy tụ tất cả các đoàn nghệ thuật từ các tỉnh tham gia, tạo nên cái kết hoành tráng cho Chương trình.
Bình Định là cái nôi của bài chòi nên theo kế hoạch, Chương 1 mở đầu bằng màn sử thi “Hội bài chòi quê tôi”, với hoạt cảnh “Rủ nhau đi đánh bài chòi” và “Bài chòi - từ chiếu lên sàn”, do Đoàn nghệ nhân Bình Định biểu diễn. Hoạt cảnh này sẽ tái hiện khung cảnh bài chòi từ lúc sơ khai cho đến khi đi vào phục vụ nhân dân. “Trên tinh thần kịch bản và thời lượng cho phép, chúng tôi cố gắng tái hiện Hội đánh bài chòi dân gian theo lối sân khấu hóa bằng cách đưa 9 chòi lên sân khấu, mở rộng không gian như một Hội đánh bài chòi với các bước hô thai, dâng cờ, dâng rượu, dâng thưởng…”, nghệ sĩ Hoàng Việt, một trong những biên đạo của Chương trình, chia sẻ.
Với niềm tự hào đó, Đoàn nghệ nhân bài chòi Bình Định, diễn viên của Nhà hát tuồng Đào Tấn, Trường VHNT Bình Định, Trung tâm VH-TT&TT Bình Định, Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định đang háo hức, trông đợi đến ngày được giới thiệu loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc quê hương cho khán giả cùng du khách gần xa.
Nghệ nhân ưu tú Minh Liễu xúc động chia sẻ: “Từ lúc bài chòi còn ở giai đoạn khó khăn cho đến khi được công nhận, chúng tôi vẫn miệt mài theo đuổi đam mê. Hôm nay, đến lúc bài chòi được vinh danh, chúng tôi mang trong mình niềm tự hào và mong muốn đóng góp một chút gì đó như một màn diễn, một câu thai để khán giả và mọi người biết đến loại hình nghệ thuật của Bình Định nói riêng và của miền Trung nói chung”.
THẢO KHUY