Những mái ấm da cam
Thật khó để đong đếm những khó khăn, vất vả trong những gia đình có người là nạn nhân của chất độc da cam. Và cũng thật khó để kể, để viết hết về những yêu thương, tận tụy mà những người ông, bà, cha mẹ hay anh chị em, vợ (chồng) dành cho người thân mang trong mình chất độc dioxin. Lửa yêu thương vẫn cứ cháy, giúp họ mỉm cười giữa khó khăn.
Đeo bám và đày đọa
Ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, câu chuyện về người phụ nữ hơn 40 năm nằm liệt trong nhà sàn được nhiều người biết. Chị là Đinh Ka Nu (48 tuổi), con của cặp vợ chồng bộ đội người Bana Đinh Văn Tia và Lê Thị Kít.
Ông Tia và bà Kít tham gia cách mạng từ năm 1964 đến năm 1975 tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Liên tục từ năm 1968 đến khoảng 1970, quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống những cánh rừng già Canh Liên và họ trở thành nạn nhân. Năm 1970, cô con gái Đinh Ka Nu vừa chào đời đã liệt 2 chân, nói năng khó khăn và thường xuyên đau ốm. 15 năm sau, ông Tia mất do ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học.
Qua tờ giấy nhỏ, ông Hoàng Phi Tuấn thổ lộ sự biết ơn đối với gia đình khi đã luôn kề vai sát cánh với ông vượt qua lằn ranh sinh tử.
Gánh nặng chăm sóc đứa con đau ốm dồn lên vai bà Kít. Đến năm 2009, bà Kít qua đời. Việc chăm sóc chị Ka Nu dồn lên vai người em trai ruột là anh Đinh Văn Hùng. Anh Hùng kể: “Cuộc sống cứ mãi khó khăn khi tôi là lao động chính vừa lo cho gia đình mình và chị ruột. Chị Ka Nu ngày một yếu vì tuổi tác và bệnh tật. Nhưng tôi sợ nhất là chất độc hóa học kia sẽ đeo bám thế hệ con cháu sau này”.
Gần 70 tuổi, ông Phan Văn Lợi (ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) và vợ vừa phải chống chọi với bệnh tật, do ảnh hưởng của chất độc hóa học, vừa phải là chỗ dựa chính cho 2 người con gái bị nhiễm chất độc hóa học đang tuổi 37 và 25. Cả hai đều bị co rút tay chân, không nói năng, đi lại được. Năm tháng của hai vợ chồng già được đếm bằng những lần bồng, đỡ con ngồi dậy, trở mình, đấm bóp cho con, đút từng muỗng cơm, từng muỗng thuốc...
Ở gia đình ông Hoàng Phi Tuấn (69 tuổi, KV 3, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn), hậu quả tàn khốc của chất độc hóa học biểu hiện ngay ở thế hệ thứ nhất. Là bộ đội trực tiếp chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn, ông Tuấn không biết bao lần hành quân trên những con đường bị địch rải chất độc hóa học. Khi sinh ra 2 cô con gái khỏe mạnh, ông chưa từng nghĩ, mình bị nhiễm chất độc hóa học. Mãi cho đến năm 2016, gia đình phát hiện ông bị ung thư thanh quản do ảnh hưởng chất độc hóa học.
“Cơ hội sống sót chỉ có khi chấp nhận phẫu thuật khối u và cắt bỏ hoàn toàn thanh quản để xạ trị. Mẹ con tôi nghe thông tin ấy mà thấy đất trời sụp đổ. Phẫu thuật xong, chồng tôi chỉ thở qua ống; thức ăn, cháo phải bơm qua đường mũi. Rồi 30 ngày xạ trị dài đằng đẵng. Hết 4 tháng chiến đấu với bệnh tật, cả chồng và tôi, mỗi người đều sút cân 7 kg”, bà Nguyễn Thị Mười, vợ ông Tuấn tâm sự.
Chỗ dựa của nhau
Thời điểm hiện tại, sức khỏe của ông Hoàng Phi Tuấn tạm hồi phục. Việc chữa trị đã làm ông mất đi khướu giác. Mùi của thức ăn, các loại hương thơm, ông chỉ hình dung qua ký ức. Khó khăn lớn hơn nữa là ông không còn nói được thành lời. Tập giấy nhỏ trở thành công cụ giao tiếp giữa ông và người thân, bạn bè.
Nụ cười hiền là điều dễ bắt gặp ở cụ ông vừa bước qua lằn ranh sinh tử này. Viết lên giấy về điều biết ơn nhất trong cuộc đời này, ông khẳng định đó là tình thân gia đình, là vợ con đã đồng hành cùng ông trong những thời điểm khó khăn nhất, yếu đuối nhất. Phải là những người từng đi qua hoạn nạn, bạo bệnh mới hiểu hết được ý nghĩa và sức mạnh của tình thân mà ông Tuấn muốn nói đến. Và tôi biết, cũng chính tình thân đã giục giã bà Mười và 2 cô con gái dồn hết tâm sức, nén những sợ hãi, yếu đuối, mệt mỏi vào trong để trở nên mạnh mẽ, cùng ông chiến đấu với bệnh tật, vực nhau dậy sau những đợt phẫu thuật, xạ trị khắc nghiệt.
Sau khi hóa trị ung thư hạch, ông Phan Văn Lợi vẫn đang tiếp tục chống chọi với nhiều căn bệnh do chất độc hóa học và tuổi già gây nên. Nhưng vợ chồng ông chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Họ vẫn ngày ngày lo vệ sinh, chăm chút từng bữa ăn cho 2 cô con gái. Ông Lợi bảo: “Chỉ khi nào không làm được nữa, chúng tôi mới nhờ đến mấy đứa con còn lại. Vợ chồng tôi nhiều khi giật mình đến thắt lòng, lỡ mình ngã xuống, không biết anh chị em của 2 đứa có lo tươm tất cho chị, cho em được không?”.
Trả lời cho trăn trở ấy của ông Lợi một cách thuyết phục nhất có lẽ là câu chuyện về người em gánh lấy phần nuôi chị thay cha mẹ đã khuất núi như anh Đinh Văn Hùng nuôi chị gái Đinh Ka Nu. Hay như anh em anh Dương Toàn Thắng (38 tuổi) và chị Dương Thị Thúy Hằng (26 tuổi, ở thôn Lương Bình, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) chở che, nương tựa vào nhau khi cha mẹ đã mất.
Cuộc sống vẫn đầy khó khăn, nhất là với những người không khỏe mạnh, khiếm khuyết về trí tuệ. Song, tình thân, tình thương, bằng cách nào đó vẫn luôn lan tràn, phủ lấp những khiếm khuyết, thiệt thòi.
Biểu dương những người giàu đức hy sinh
Tháng 3 vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức biểu dương những người ông, người bà, người cha mẹ, người vợ, chồng, anh chị em hết lòng yêu thương, hy sinh vì nạn nhân da cam. Có 14 gia đình trong toàn tỉnh đã được biểu dương (ảnh). Trước đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng đã biểu dương anh Dương Toàn Thắng tại Hội nghị biểu dương người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu toàn quốc năm 2017.
NGUYỄN MUỘI