Quản lý và xử lý chất thải y tế: Chặt chẽ, đảm bảo an toàn
Chất thải y tế là chất thải nguy hại, nếu không được quản lý, xử lý an toàn sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật y khoa, ngày càng có thêm nhiều các bệnh viện phát triển không chỉ về số lượng mà còn theo hướng chuyên khoa sâu, nên chất thải y tế cũng phức tạp về thành phần.
Quản lý và thu gom chất thải y tế
Tại BVĐK tỉnh, chất thải y tế rắn được phân loại ngay tại nơi phát sinh, được thu gom vào các dụng cụ theo mã màu quy định. Chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường được hộ lý hoặc nhân viên vệ sinh của khoa/phòng vận chuyển riêng từng loại về nơi lưu giữ. Chất thải lây nhiễm được hộ lý hoặc nhân viên vệ sinh của khoa/phòng thu gom từ nơi phát sinh và vận chuyển về khu vực lưu giữ chất thải tập trung của Bệnh viện, sau đó sẽ bàn giao cho nhân viên tổ Vệ sinh ngoại cảnh Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Khi bàn giao phải có sổ ký giao - nhận về số lượng, khối lượng. Đối với chất thải nguy hại nhưng không lây nhiễm được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán ra môi trường…
Quá trình cân, bàn giao chất thải y tế nguy hại tại BVĐK tỉnh.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh phân công hẳn một phó giám đốc phụ trách mảng quản lý chất thải y tế; Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn còn kiêm nhiệm công tác quản lý chất thải. Chất thải rắn của bệnh viện này chủ yếu có 3 nhóm: chất thải y tế thông thường, chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm. Bệnh viện đã trang bị đầy đủ số lượng, kích cỡ các thùng, túi ni lông đựng chất thải theo quy định. Mỗi khoa, phòng có thùng đựng chất thải đặt tại nơi thích hợp, các nhóm chất thải có các loại thùng, bì thu gom tương ứng. Nơi đặt thùng đựng chất thải có bảng hướng dẫn cách phân loại và thu gom.
Cử nhân Trần Nguyên Vũ, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), cho biết: “Đối với chất thải y tế thông thường, chúng tôi đã hợp đồng với Ban quản lý dự án chất thải rắn và sản xuất phân compost phường Nhơn Phú vận chuyển, xử lý. Với chất thải lây nhiễm, Bệnh viện hợp đồng với Công ty CP môi trường đô thị Quy Nhơn vận chuyển, xử lý, khi đưa đi xử lý có biên bản bàn giao. Riêng chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom và quản lý riêng, Bệnh viện hợp đồng với DNTN Hậu Sanh vận chuyển, xử lý; khi đưa đi xử lý có biên bản bàn giao đầy đủ. Riêng nước thải thì được thu gom đưa vào hệ thống cống ngầm, sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Phía bạn sẽ chịu trách nhiệm giám sát và xử lý”.
An toàn và “Xanh - Sạch - Ðẹp”
Năm 2017, Sở Y tế kiểm tra tiêu chí “Xanh - Sạch - Ðẹp” ở các đơn vị trực thuộc. Ðây là hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng. Để đảm bảo thực hiện được tiêu chí này, các bệnh viện nhất định phải thực hiện tốt việc quản lý, xử lý chất thải.
Bác sĩ CKI. Huỳnh Thị Vân - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BVĐK tỉnh), cho biết: “Tại BVĐK tỉnh, mỗi ngày lượng chất thải thông thường phát sinh khoảng 960 kg, chất thải lây nhiễm sắc nhọn khoảng 67 kg, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khoảng 156 kg, chất thải giải phẫu khoảng 15 kg, chất thải gây độc tế bào khoảng 1,5 kg, chất thải nguy hại không lây nhiễm khoảng 1 kg, lượng nước thải y tế phát sinh trong ngày khoảng 480 m3. Bệnh viện có hệ thống cống thu gom nước mưa riêng biệt với nước thải, trong đó nước thải được dẫn về 2 hệ thống xử lý trước khi thải vào hệ thống chung. Toàn bộ các loại chất thải của bệnh viện đều được xử lý đúng quy định, quy trình chính xác với từng loại một”.
Th.S Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận định: “Hầu hết các đơn vị y tế được kiểm tra đều có hệ thống thu gom nước thải y tế, là hệ thống kín và thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng. Công tác thu gom, phân loại, xử lý và quản lý chất thải y tế đã được chú trọng, thực hiện theo quy trình của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các đơn vị đã tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải tái chế. Về rác thải sinh hoạt, các đơn vị đã bố trí thùng đựng rác công cộng xung quanh bệnh viện với tiêu chí môi trường bệnh viện không có rác. Về tiêu chí này, các đơn vị như: BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT Tuy Phước… thực hiện khá tốt”.
Quản lý và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rủi ro cho sức khỏe của nhân viên y tế, bệnh nhân và toàn xã hội.
THU PHƯƠNG