Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 60% câu hỏi dễ, 40% câu hỏi phân loại
Đại diện Bộ GD&ĐT đã tiết lộ cấu trúc đề thi năm 2018 vẫn giữ tỷ lệ như mọi năm với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có hai mục đích. Một là xét công nhận tốt nghiệp, hai là sử dụng kết quả để xét tuyển vào các trường đại học. Do đó, đề thi THPT Quốc gia năm 2018 vẫn phải bám vào hai mục đích này.
Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiết lộ về cấu trúc đề thi THPT Quốc gia 2018.
Theo ông Hồng, cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn giữ tỷ lệ như mọi năm với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh.
Khác với năm 2017, đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ có thêm nội dung của lớp 11. Tuy vậy, đề thi vẫn chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Tỷ lệ nội dung lớp 11 chiếm khoảng 20-30%, lớp 12 chiếm khoảng 70 đến 80%. "Do có sự thay đổi về nội dung đề thi THPT Quốc gia năm nay nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm công bố đề tham khảo để học sinh và giáo viên có định hướng ôn tập," ông Hồng nói.
Việc Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo theo ông Hông là để bộ phận ra đề tiếp nhận kịp thời những phản hồi từ giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh để xây dựng đề thi chính thức phù hợp. "Chúng tôi vẫn liên tục đón nhận các thông tin phản hồi để có đề thi tốt nhất," ông Hồng nói.
"Hiện nay Cục Quản lý chất lượng đang chọn mẫu, định hướng các câu hỏi thi để các thành viên hội đồng làm việc khi cách ly, làm sao câu hỏi thi sát với thực tế học tập của các thí sinh. Đề thi được tính toán phù hợp, vừa có cơ bản, vừa có phân loại. Đề thi sẽ có 4 nhóm cấp độ, từ dễ đến trung bình, khó và rất khó. Các thí sinh cứ làm tuần tự, từ đầu đến cuối đề, càng về cuối đề càng khó," ông Hồng chia sẻ.
Cũng theo ông Hồng, cách ra đề thi năm nay có một vài điều chỉnh. Cụ thể, với đề các môn Khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học, các câu hỏi không khó về tính toán nhưng sẽ khó về bản chất, hiện tượng Hóa học, hiện tượng Vật lý sẽ có các câu hỏi về thí nghiệm.
"Trong các môn này cũng bắt đầu xuất hiện câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để dần dần tiếp cận phù hợp với chương trình SGK mới trong thời gian tới nhưng theo lộ trình từ ít đến nhiều trong những năm tiếp theo. Điều này nhằm tác động đến việc dạy và học của nhà trường. Nếu trường không tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm, các em sẽ không đạt điểm tuyệt đối trong bài thi sắp tới. Chúng tôi mong muốn việc này sẽ tác động trở lại với việc dạy học trong trường phổ thông, lý thuyết cần đi đôi với thực hành", ông Hồng nói.
Môn Toán cũng sẽ có câu hỏi mang tính lý thuyết của Toán học, để học sinh hiểu thực sự bản chất của Toán học thay vì chỉ là các bước giải, nhằm đánh giá năng lực Toán học của các em.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ rút ngắn thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 20 phút xuống còn 10 phút. Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ coi thi phối hợp với cán bộ giám sát chỉ cho từng thí sinh có nhu cầu đặc biệt ra ngoài phòng thi trong thời gian 10 phút này để đảm bảo không xảy ra rối loạn và tránh những tiêu cực có thể phát sinh.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Thành lập Hội đồng ra đề thi và triển khai hoạt động của hội đồng tại khu vực cách ly. Bên cạnh đó, tăng cường hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.
Theo VTV