HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ:
Hướng đến một thế hệ lao động toàn cầu
Trong bối cảnh thị trường lao động khu vực và thế giới rộng mở, việc hình thành một thế hệ lao động toàn cầu, đủ kỹ năng, kiến thức đáp ứng nhu cầu DN nước ngoài là hết sức cần thiết. Trong hành trình đó, sự tham gia đào tạo, hướng dẫn từ các chuyên gia nước ngoài, các suất học bổng cho sinh viên, bồi dưỡng giảng viên từ các trường nước ngoài có ý nghĩa quan trọng.
Khoảng cuối tháng 3 và cuối tháng 4 vừa qua, chuyên gia của Học viện Chisholm (Australia) đã đến Bình Định để làm việc, hướng dẫn cho thầy và trò của các lớp trình độ quốc tế tại 2 trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ và CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn. Sự có mặt của các chuyên gia Australia có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với giảng viên và sinh viên 3 lớp nghề trình độ quốc tế: công nghệ sinh học, cơ điện tử và điện tử công nghiệp.
Các sinh viên nghề công nghệ sinh học tận dụng cơ hội để trao đổi với chuyên gia Australia Agnes Wong (thứ ba từ phải sang).
Thầy “Tây” vào lớp
Ngay trong lần đầu tiếp xúc với bà Agnes Wong, chuyên gia nghề công nghệ sinh học của Học viện Chisholm, các sinh viên Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã tận dụng cơ hội để trao đổi, đặt câu hỏi về nhiều vấn đề. Trong giờ thực hành, bà Agnes Wong liên tục di chuyển giữa các nhóm sinh viên để quan sát, nhắc nhở một vài thao tác chưa chuẩn trong phòng thí nghiệm và trả lời tận tình các câu hỏi.
Giảng viên Nguyễn Lê Công Minh, chủ nhiệm lớp công nghệ sinh học trình độ quốc tế, cho rằng: “Dù đã tiếp cận với chương trình đào tạo được chuyển giao từ Học viện Chisholm trước đó và đang truyền đạt, hướng dẫn cho sinh viên theo đúng chương trình, nhưng sự có mặt của các chuyên gia nước ngoài có nhiều ý nghĩa. Thông qua chuyến làm việc, nhất là khi tiếp xúc với các sinh viên, tìm hiểu về thuận lợi và khó khăn của các em, chuyên gia Australia đã tư vấn thêm về phương pháp giảng dạy phù hợp, điều mà nếu chỉ trao đổi qua email, chúng tôi khó mà tháo gỡ, giải đáp hết được”.
Chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến làm việc của 2 chuyên gia Australia nghề cơ điện tử và điện tử công nghiệp, các giảng viên của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các chuyên gia về công tác lưu trữ hồ sơ, thiết bị đào tạo, đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động.
Theo dõi một tiết dự giờ của chuyên gia Australia tại lớp điện tử công nghiệp của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, chúng tôi khá bất ngờ khi giảng viên đứng lớp sử dụng tiếng Việt, bởi yêu cầu của các lớp trình độ quốc tế là giảng dạy bằng 100% tiếng Anh. Giải thích về vấn đề này, Trưởng khoa Điện tử Trần Hiếu Nghĩa cho biết: “Chuyên gia Australia đề nghị giảng viên thực hiện bài giảng bằng tiếng Việt trong khi ông dự giờ. Ông mong muốn cả thầy và trò đều thoải mái tương tác với nhau. Trước đó, trao đổi với giảng viên đứng lớp và sinh viên, ông đã đánh giá cao năng lực ngoại ngữ của thầy trò”.
Điểm chung dễ nhận thấy của các chuyên gia Australia là họ quan sát rất kỹ cách sinh viên thực hành, góp ý ngay lập tức cho sinh viên; đồng thời yêu cầu toàn bộ sinh viên phải có cơ hội thực hành tốt nhất. “Vì quan điểm đánh giá phải đi cùng với đào tạo nên tất cả các em phải được thực hành, hướng dẫn thực hành như nhau. Chúng tôi cũng áp dụng phương pháp này cho nhiều nghề khác và nỗ lực để sinh viên các ngành khác cũng có cơ hội thực hành tương tự như các lớp trình độ quốc tế”, ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn cho biết.
Chuyên gia Australia đến từ Học viện Chisholm trao đổi với Trưởng khoa Điện tử về giáo án của các giáo viên nghề điện tử công nghiệp.
Liên kết đào tạo
Bên cạnh các chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm (Australia), Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã “bắt tay” với một số trường cao đẳng trong khu vực để có thể liên kết đào tạo, mở rộng cơ hội “du học” cho sinh viên.
Từ năm 2015, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thực tập sinh, cấp học bổng cho sinh viên với Trường CĐ kỹ thuật IRPC (Thái Lan). Hai bên đã thực hiện các chuyến tham quan, học tập thực tế lẫn nhau; tạo điều kiện để mỗi bên có thể tham quan thực tế tại các nhà máy, xí nghiệp tại 2 nước; đồng thời trao đổi giáo viên, sinh viên các ngành khối kỹ thuật như: công nghệ ô tô, cơ khí, điện và điện tử.
Mặt khác, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn liên kết với Trường CĐ nghề Ubon Ratchathani (Thái Lan) trên lĩnh vực đào tạo liên quan đến ngành du lịch. Thời điểm hiện tại, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã có 4 sinh viên được Trường CĐ nghề Ubon Ratchathani và Trường CĐ kỹ thuật IRPC cấp học bổng toàn phần.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Trường CĐ kỹ thuật IRPC đến làm việc tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn nhằm chuẩn bị cho lễ ký kết hợp tác đào tạo giai đoạn tiếp theo (dự kiến tổ chức vào tháng 9.2018).
Những năm qua, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn còn liên kết với 4 trường nghề tại 4 tỉnh Nam Lào (bao gồm Attapu, Sekong, Salavan, Champasak) để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho sinh viên Lào. Theo đó, giáo viên các trường Nam Lào được tập huấn ngắn hạn tại Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn; sinh viên các tỉnh Nam Lào cũng được đào tạo liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng tại trường.
NGUYỄN MUỘI