Vì sao không có “phụ nam”?
Có một câu hỏi thú vị mà không ít người thắc mắc. Đó là tại sao có từ “phụ nữ” nhưng lại không có từ “phụ nam”?
Trong tiếng Việt, để chỉ “đàn bà”, “con gái”, có các từ mượn gốc Hán như nữ, nữ nhi, nữ giới, nữ nhân, phụ nữ; để chỉ “đàn ông”, “con trai”, ta có các từ mượn gốc Hán như nam, nam nhi, nam giới, nam nhân. Tuyệt nhiên không có từ phụ nam trong thế tương quan với từ phụ nữ. Vì sao có hiện tượng này? Vấn đề nằm ở yếu tố “phụ”.
Phụ trong từ “phụ nữ” (bộ nữ) có nhiều nét nghĩa nhưng tất cả đều mang nghĩa chung liên quan đến “đàn bà, con gái”. Đó là các nét nghĩa: 1. nàng dâu; 2. người con gái đã lấy chồng (như trong từ thiếu phụ); 3. vợ (như trong từ phu phụ, thành ngữ phu xướng phụ tùy) và 4. chỉ đàn bà, con gái nói chung (như trong thai phụ, sản phụ). Yếu tố phụ trong từ “phụ nữ” mang nét nghĩa thứ tư. Do đó, “phụ nữ” là một từ ghép đẳng lập.
Không có từ “phụ nam”, có lẽ vì hai lý do chủ yếu sau:
Một là, để gọi khái quát như từ “trai gái”, ban đầu tiếng Việt đã vay mượn từ tiếng Hán một số từ. Nhưng dần về sau, do tính chọn lọc của ngôn ngữ, tiếng Việt chỉ giữ lại từ “nam nữ” (vì “nam” và “nữ” được Việt hóa gần như hoàn toàn, được dùng phổ biến). Những trường hợp còn lại sẽ bị đào thải. Chẳng hạn, từ “nam phụ” trong “nam phụ lão ấu” hiện nay không còn hoạt động tự do trong tiếng Việt nữa. Từ “phụ nam” (nếu có) cũng chung “số phận” này.
Hai là, thực tế trong tiếng Hán cũng không có từ “phụ nam” với nghĩa trên. Vì một lý do cơ bản là tính tôn ti, “trọng nam khinh nữ” trong văn hóa của người Hoa nói chung rất nặng nề. Chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, trong những từ liên quan đến nam nữ, yếu tố chỉ nam bao giờ cũng đứng trước yếu tố chỉ nữ. Cho nên, chỉ có các từ phụ mẫu, phu phụ, phu thê, nam nữ,… chứ không có trường hợp ngược lại. Trong khi đó, tiếng Việt vẫn có những từ, cách diễn đạt: mẹ cha, vợ chồng, gái trai.
Với quan niệm trọng nam khinh nữ (nhưng phần lớn là nói vui), một số người cho rằng đã có “phụ nữ” thì ắt phải có… “chính nam”, vì so với nữ, nam thường giữ vai trò… chính! Thật ra, đây là một kiểu chơi chữ giữa yếu tố phụ với nghĩa “thứ yếu” (trong từ chính phụ) với phụ chỉ chung cho giới nữ (trong từ phụ nữ). Chỉ có một từ “phụ nữ” với yếu tố phụ tương đương với yếu tố nữ mà thôi.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ