Sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng
Dự kiến vào tháng 6/2018 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, nhằm tăng cường hơn nữa công tác này từ Trung ương tới địa phương.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chia sẻ điều này tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, sáng 3.5.
Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết, dự kiến vào tháng 6.2018 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng. Ảnh báo Nghệ An
Cụ thể, tại cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự đồng tình cao trong việc quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, bước đầu đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Song cử tri bày tỏ băn khoăn về việc thu hồi lại tài sản tham nhũng còn quá ít so với khối lượng tài sản tham nhũng. Cử tri cho rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn tồn tại. Ở các địa phương cơ sở chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, mà còn chung chung.
Do đó, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo, chính quyền cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, để công cuộc chống tham nhũng đi vào quỹ đạo, phát huy tính hiệu quả.
Giải trình kiến nghị của cử tri, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã và đang vào cuộc quyết liệt.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tại nhiều địa phương cũng ngày càng “nóng” dần lên. Nếu năm 2017, cả nước có 22 tỉnh, thành chưa phát hiện được vụ tham nhũng nào, thì đến năm 2018, cả nước chỉ còn 4 tỉnh.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thông tin thêm, dự kiến vào tháng 6/2018 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, nhằm làm nóng "lò” hơn nữa từ Trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đưa ra thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, sáng 3.5, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như: Vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet…
Theo Người đứng đầu Chính phủ: Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hành động của Chính phủ, của bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình. Đây là điều kiện quan trọng tạo nên không khí mới trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 27.4, phát biểu kết luận cuộc họp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch năm 2018 của Ban Chỉ đạo.
Cụ thể là, tập trung điều tra, đưa vụ án "Tổ chức đánh bạc, đánh bạc" xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương ra xét xử đúng thời hạn luật định; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý triệt để ở giai đoạn II.
Tích cực, khẩn trương, tăng cường phối hợp để điều tra, đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Thái Sơn, Bộ Quốc phòng ra xét xử đúng thời hạn luật định; mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan trong giai đoạn II của vụ án.
Khẩn trương kết luận điều tra bổ sung, và mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB). Khẩn trương điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 4/11 vụ án còn chậm tiến độ so với Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm: Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Viện Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) (giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) và các đơn vị liên quan; Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; Việc phá sản của Công ty cho thuê tài chính 2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt ALCII) và các vụ án, vụ việc liên quan; Các vụ án, vụ việc khác theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Theo Chinhphu.vn