Kỷ niệm 200 năm ngày sinh C.Mác 5.5 (1818-2018):
Cống hiến vĩ đại của C.Mác thể hiện ở cả lý luận và thực tiễn
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, học thuyết Mác có ba bộ phận lớn là: Triết học Mác với chủ nghĩa duy vật biện chứng, kinh tế học của Mác mà cốt lõi nhất là học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về chủ nghĩa xã hội (CNXH).
C.Mác (bên phải) và Ph.Ăng-ghen. Ảnh: Tư liệu.
Hai phát minh vĩ đại nhất
Có thể nói, những cống hiến vĩ đại của C.Mác được thể hiện trên nhiều phương diện, ở cả lý luận và thực tiễn. Theo đánh giá của Ph.Ăng-ghen, Mác có hai phát minh vĩ đại nhất: Một là phát minh về tiến trình lịch sử của nhân loại, hai là kinh tế học với học thuyết giá trị thặng dư. Nếu như trước đó chưa ai phát hiện ra quy luật vận động khách quan của lịch sử, thì Mác đã có phát minh về tiến trình lịch sử nhân loại, được diễn ra theo 5 hình thái kinh tế xã hội: Chế độ cộng sản nguyên thủy, chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản và thứ 5 là sự tất yếu đi tới chủ nghĩa cộng sản (CNCS), mà giai đoạn đầu là CNXH.
C.Mác đã dùng tư duy biện chứng khách quan, kế thừa những phương pháp luận khoa học, hạt nhân hợp lý của triết học cổ điển trước đây để phân tích, nhìn nhận lịch sử loài người. Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác là một thế giới quan khoa học, một cách nhìn nhận khoa học đầy đủ nhất, toàn diện nhất, khắc phục được những khuyết điểm trước đó để đánh giá về lịch sử nhân loại.
Cho đến nay, lý thuyết về chủ nghĩa duy vật lịch sử ấy vẫn hoàn toàn khoa học, hoàn toàn đứng vững. Mỗi hình thái kinh tế xã hội khi phát triển đều có sự kế thừa và phát triển, từ đó đi đến kết luận về quy luật lịch sử, loài người tất yếu sẽ đi tới CNXH, CNCS. Từ đó, các Đảng Cộng sản trên thế giới vận dụng lý thuyết ấy mà thúc đẩy quá trình cách mạng xã hội, để xóa bỏ áp bức bất công của chủ nghĩa tư bản (CNTB), tạo lập và xây dựng một xã hội tốt đẹp, đó là CNXH. Cách mạng Việt Nam cũng như vậy. Bác Hồ đã tiếp nhận tư tưởng ấy và chỉ ra đường hướng phát triển của Cách mạng Việt Nam là phải giành cho được độc lập dân tộc. Đó là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng CNXH. Có thể khẳng định, đây là di sản đặc biệt quan trọng và lớn nhất của C.Mác. Gắn liền với quá trình ấy phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, chuyển biến căn bản từ xã hội cũ sang xã hội mới mà chúng ta đang tiến hành hiện nay.
Di sản thứ hai, cũng là phát minh vĩ đại của Mác, đó là Mác đã phân tích, mổ xẻ bản chất kinh tế của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nghiên cứu từ bản chất kinh tế và kể cả sự cống hiến của CNTB, đặc biệt là bản chất chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, rồi quy luật vận động trong lòng xã hội tư bản… Từ đó, Mác đã phát hiện ra quy luật, học thuyết về giá trị thặng dư trong CNTB. Sau này, đến thời đại đế quốc, lý thuyết về giá trị thặng dư tiếp tục phát triển. Đến nay, lý thuyết này vẫn còn nguyên giá trị.
Trong điều kiện của CNTB hiện nay, người ta càng đi vào sâu để nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư của Mác. Trong sự vận động sản xuất xã hội hiện nay cũng làm rõ thêm học thuyết lý luận của Mác về giá trị thặng dư.
Thiên tài dự báo
Ngoài hai phát minh vĩ đại trên, Mác cùng Ph.Ăng-ghen khởi xướng thành lập một chính đảng cách mạng, tức Đảng Cộng sản, với bản tuyên ngôn ra đời vào năm 1848. Đảng Cộng sản ấy đã tiên phong trong sự phát triển của phương thức sản xuất xã hội, đó là giai cấp vô sản, xóa bỏ áp bức bất công, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới.
Cùng đó, Mác đã có những dự báo rất quan trọng, ví dụ như dự báo về sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ (KHCN). Khi nghiên cứu trong CNTB, với sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, từ đó ông đã dự báo sự phát triển mạnh mẽ của KHCN trong tương lai. Với dự báo này, từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng cơ khí hóa, điện khí hóa, cách mạng máy tính và tự động hóa và hiện nay là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng 4.0 dựa trên sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, dữ liệu lớn. Có thể nói, Mác là một thiên tài khi đưa ra dự báo về sự phát triển lịch sử nhân loại.
Ngoài ra còn một dự báo nữa cũng rất lý thú. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác cũng từng dự báo với sự phát triển của sản xuất, tìm kiếm thị trường, thì sự phát triển của thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Từ đó sẽ phá vỡ rào cản biên giới các quốc gia, trở thành thị trường thế giới. Thực tế cho thấy, từ thế kỷ XIX, các nước phương Tây đã mở rộng thị trường, tìm kiếm thuộc địa, ra đời chính sách thực dân, tìm kiếm thị trường mới. Đến bây giờ đã trở thành thị trường thế giới, thị trường toàn cầu. Dự báo đó báo hiệu các ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc sẽ bị phá vỡ khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển thị trường thế giới đã chứng minh cho luận điểm đó của Mác.
Theo Thành Nam (TPO)