LỄ ĐÓN BẰNG UNESCO CÔNG NHẬN NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRUNG BỘ:
Ðêm hội vui chung
20 giờ đêm nay (5.5) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), Lễ đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ chính thức diễn ra.
“Âm vang nghệ thuật bài chòi” - tên chương trình nghệ thuật tại Lễ đón gồm những tiết mục đặc sắc về bài chòi và hát, múa trữ tình, đậm âm hưởng dân ca miền Trung hứa hẹn tạo cảm xúc yêu thương, lắng đọng nơi người xem…
Màn sử thi mở màn chương trình nghệ thuật với tựa đề “Hội bài chòi quê tôi”, do các nghệ nhân bài chòi Bình Định biểu diễn đêm tổng duyệt 4.5. Ảnh: VĂN LƯU
“Âm vang nghệ thuật bài chòi”
Trong tổng thời lượng Lễ đón dài 90 phút, nối tiếp sau phần lễ khoảng 40 phút với khá nhiều nội dung là chương trình nghệ thuật. “Âm vang nghệ thuật bài chòi” quy tụ khoảng 400 nghệ sĩ, nghệ nhân của dải đất bài chòi 9 tỉnh, thành miền Trung, trong đó chủ lực là các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Chương trình gồm 3 chương: Về nơi nguồn cội bài chòi, Bài chòi - hồn cốt văn hóa miền Trung và Ngàn năm nhịp phách bài chòi còn vang. Đêm hội chưa diễn ra nhưng với từng tiết mục ở mỗi chương, thông qua cách lựa chọn nội dung thể hiện và tên gọi, thông điệp của chương trình cũng đã phần nào được gợi mở. Và như thế, sự chờ đón thưởng thức, khám phá và tiếp nhận di sản của người xem càng thăng hoa, thẩm thấu hơn khi làm khán thính giả của chương trình.
Tiết mục mở màn chương trình: màn sử thi “Hội bài chòi quê tôi” với 2 cảnh diễn: “Rủ nhau đi đánh bài chòi” và “Bài chòi - từ chiếu lên sàn” được êkip dàn dựng “bật mí” có thể là tiết mục đáng xem nhất chương trình. Người biểu diễn tiết mục là hơn 20 nghệ nhân bài chòi Bình Định cùng một số tỉnh, thành miền Trung - đại diện cho chủ thể văn hóa của di sản. Nhờ tiết mục mà người xem có thể hình dung về một đoạn hình thành, phát triển của di sản bài chòi… “Hội bài chòi quê tôi” sẽ khiến người xem nao lòng, nhất là những ai vốn thân thuộc, yêu mến hội bài chòi quê hương mình.
Trường tồn, bất diệt
Trên nền tiếng trống chầu trầm hùng, giục giã báo hiệu hội đánh bài chòi sắp sửa bắt đầu, như nhắc nhở, thu hút người đến chơi hội, vang lên những lời hô, hát bài chòi ngọt ngào, vui tươi, chân chất của hiệu nam, hiệu nữ. “Rủ nhau đi đánh bài chòi, người đông chứ đông thật vui/ Rủ nhau đi đánh bài chòi, đường xa chứ xa mặc xa/ Lòng vui chân bước, xao xuyến dạt dào quê hương/ Sau lũy tre làng, bao chàng trai với bao cô gái bước vội, bước vội cho kịp người đông…/ Chòi cao vui quá, náo nức lời chào câu Thai/ Miệng hô, tay xốc, thẻ bài chứ con gì đây…”. Âm vang hào sảng của những lời ca, nét diễn thật mộc của những anh, chị hiệu quyện hài hòa cùng hình ảnh làng quê, con người miền Trung thân thương - nơi hội đánh bài chòi cứ giòn giã những dịp lễ, tết, hội hè… đã trở thành biểu tượng văn hóa chung đặc trưng nhất. Một tiết mục nho nhỏ tái hiện những hội bài chòi trên khắp quê hương miền Trung như một lát cắt tiêu biểu của di sản xứng đáng là tiết mục “đinh” mở màn cho đêm hội tôn vinh bài chòi.
Chương trình tiếp nối với 8 tiết mục còn lại, trong đó gồm nhiều bài hát nổi tiếng về miền Trung. Đặc biệt, một ca khúc mới được sáng tác riêng cho chương trình, được chọn làm tên cho chương 3 - chương kết: ca khúc Ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang của nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ. Ở đó, điệu bài chòi, di sản bài chòi được nhân hóa, ví von như một cô gái miền Trung với vẻ đẹp duyên dáng, tiềm ẩn, là chất thơ, là tri kỷ, gieo thương để nhớ cho người con trai mải miết đi tìm.
Hành trình và niềm hạnh phúc tìm được bạn tâm giao của con người dễ gợi liên tưởng về “quả ngọt” của công cuộc bảo tồn, phát huy di sản bài chòi mà Bình Định và 8 tỉnh, thành miền Trung đã nỗ lực nhiều năm qua, để đến ngày được thế giới vinh danh hôm nay. “Tiếng ca lay động lòng người, ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang” - Lễ đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại TP Quy Nhơn, Bình Định khép lại trong âm vang của những lời ca - cũng là thông điệp về sự trường tồn, bất diệt của tinh hoa di sản dân tộc Việt Nam.
Lễ đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UBND tỉnh Bình Ðịnh và Bộ VH-TT&DL đồng chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của UBND 8 tỉnh, thành có chung di sản bài chòi, gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Ðài PT-TH Bình Ðịnh (BTV) và 8 đài phát thanh - truyền hình của 8 tỉnh, thành có chung di sản, phát thanh trực tiếp trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
SAO LY