Chủ động phòng, chống tội phạm ma túy
Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, không chỉ tập trung ở thành phố mà dịch chuyển về khu vực nông thôn. Trước tình hình này, ngành chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống.
Tang vật một vụ tàng trữ trái phép chất ma túy được đối tượng ngụy trang trong một cuốn sách.
Phát hiện, xử lý nhiều vụ
Mới đây, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CA TP Quy Nhơn đã bắt quả tang đối tượng Lê Lam Trường (SN 1998, TP Quy Nhơn) đang bán ma túy trên đường Ngô Mây. Qua đấu tranh nhanh với Trường, khoảng 20 giờ ngày 17.4, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một nhà nghỉ trên đường Cần Vương và đã phát hiện đối tượng Võ Quang Bình (SN 1994, ở huyện Phù Mỹ) đang tàng trữ 2 gói ma túy đá. Bình khai nhận còn giấu 2 gói ma túy tại một phòng trọ khác trên đường Ngô Mây và CA đã thu giữ số ma túy này.
Đối tượng Bình cho biết, sở dĩ thuê nhiều phòng trọ như vậy là để qua mặt cơ quan chức năng; tiện cho việc tàng trữ và giao dịch bán ma túy. Thực tế, các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy thường có rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Chúng không chỉ luôn thay đổi về địa điểm tàng trữ, giao nhận và che giấu hàng mà khi bán ma túy cũng chỉ bán cho những người quen mặt, biết rõ lai lịch, giao hàng khi đối tượng nghiện đến mua một mình. Mặt khác, khi cảm thấy có “động”, các đối tượng đối phó bằng cách từ chối bán hàng với lý do hết hàng, hoặc nói là đã “bỏ nghề”. Như đối tượng Trương Anh Huy (SN 1983, TX An Nhơn) đã sử dụng hình thức nhận ma túy thông qua việc gửi hàng từ xe khách tuyến TP Hồ Chí Minh. Đối tượng Phạm Đình Thành (SN 1991, Kon Tum), sau khi lập gia đình đã đến sống cùng vợ con ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Để thuận tiện cho việc sử dụng cũng như buôn bán ma túy, Thành đã chuyển sang phường Nhơn Phú thuê nhà trọ. Còn đối tượng Nguyễn Mạnh Thắng (SN 1991, phường Hải Cảng) thì lắp camera trước nhà để quan sát, nếu có biến sẽ kịp thời phi tang chứng cứ phạm tội.
Tuy vậy, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện bắt giữ, xóa bỏ nhiều đường dây, ổ, nhóm tội phạm ma túy; đưa ra xét xử nghiêm minh loại tội phạm này.
Hiện toàn tỉnh có 364 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý và khoảng 250 đối tượng nằm trong diện quản lý nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, con số thực tế phải gấp đôi. Trước thực trạng này, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy CA tỉnh và các địa phương đã và đang phối hợp với các ngành, đoàn thể chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp với từng môi trường để nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm ma túy. Trung tá Phan Anh Dũng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CA TX An Nhơn, cho biết: “Với mục tiêu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy, không để An Nhơn là điểm nóng, thời gian qua, CA thị xã đã tăng cường lực lượng; bên cạnh việc nắm tình hình, rà soát các đối tượng nghi vấn để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội của đối tượng, Đội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy bằng nhiều hình thức khác nhau”.
Trong khi đó, CA huyện Hoài Nhơn lại chọn biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong thanh thiếu niên về phòng chống ma túy, nhất là nhận biết tác hại của ma túy tổng hợp, các loại ma túy mới, nhằm tạo chuyển biến nhận thức và trở thành một phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện. Đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức đấu tranh, triệt phá các tụ điểm phức tạp, các đường dây mua bán, vận chuyển loại chất nguy hại này.
Một trinh sát của Đội Cảnh sát phòng chống ma túy, CA TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi tiến hành tiếp cận gia đình đối tượng để thông báo tình hình, hành vi phạm tội của con em họ. Tiến hành gặp gỡ cá biệt và theo dõi, giám sát các mối quan hệ, thói quen sinh hoạt, những nơi đối tượng thường lui tới để rà soát, nắm tình hình, từ đó lên phương án truy bắt đối tượng”.
Cùng với sự chủ động của cơ quan chức năng, gia đình và các hội đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy để hạn chế tối đa loại tội phạm nguy hiểm này.
KIỀU ANH
Truyền thông phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng
(BÐ) - Sở TT&TT đã xây dựng kế hoạch thực hiện Ðề án “Truyền thông phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng” trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Theo đó, các cơ quan liên quan sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Ðảng, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước và kế hoạch về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền nguy cơ, tác hại và xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; về hậu quả của nghiện ma túy đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển KT-XH của đất nước, trong đó tập trung các nhóm đối tượng thanh thiếu niên ở địa bàn dân cư; thông tin về các dịch vụ chăm sóc, điều trị cai nghiện, hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng; giới thiệu giải pháp, kinh nghiệm, các mô hình trong công tác phòng, chống ma túy tại địa phương.
Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, ấn phẩm, tài liệu, hình ảnh trực quan…
N. QUỲNH