WHO khuyến cáo người dân toàn cầu giảm tiêu thụ thực phẩm béo
Ngày 4.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi người dân trên toàn cầu giảm lượng tiêu thụ thực phẩm béo vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch như nghẽn động mạch.
Một cửa hàng đồ ăn nhanh ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
WHO cũng đồng thời công bố những chỉ dẫn mới để giúp người dân giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, sáng kiến của WHO nhằm mục đích ngăn chặn khoảng 17 triệu ca tử vong mỗi năm do các chứng bệnh về tim mạch có liên quan đến những thực phẩm sử dụng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa thường có trong bơ, cá hồi, lòng đỏ trứng và sữa bò. WHO muốn người lớn và trẻ em giảm lượng tiêu thụ chất béo này xuống chỉ còn 10% tổng nhu cầu năng lượng mỗi ngày.
Còn đối với chất béo chuyển hóa, được tìm thấy trong các thực phẩm nướng và rán, và dầu ăn, WHO muốn tỷ lệ chất béo này chỉ còn chiếm 1% lượng hấp thụ calorie mỗi ngày.
Tiến sỹ Francesco Branca, Giám đốc phụ trách lĩnh vực dinh dưỡng của WHO, cho biết để loại trừ những mối đe dọa của việc sử dụng quá nhiều chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, các chính phủ cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo rằng các thực phẩm chế biến sẵn không sử dụng dầu thực vật đã bị hydro hóa.
Ông cho biết thêm hiện đã có những sản phẩm lành mạnh hơn để thay thế cho những thực phẩm sử dụng quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, vốn thường được dán mác hydro hóa.
Các loại chất béo này làm mất cân bằng chuyển hóa của cơ thể dẫn đến mất cảm giác no và cứ ăn mãi không biết chán gây ra béo phì nhanh chóng và hàng loạt bệnh nguy hiểm liên quan tới tim mạch như xơ vữa động mạch, giảm lưu thông máu nuôi tiem dẫn đến các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư....
Tiến sỹ Branca nhấn mạnh rằng kể từ khi WHO lần đầu tiên công bố những tư vấn về chất béo bão hóa và chất béo chuyển hóa vào năm 2002, thế giới đã đạt được những tiến triển đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về mối đe dọa của những chất béo này, đặc biệt là tại những nước giàu.
Tuy nhiên, trong khi các nước Tây Âu đã "gần như xóa bỏ" được việc sử dụng chất béo chuyển hóa công nghiệp, thậm chí Đan Mạch cấm toàn bộ những chất béo này, các khu vực nghèo hơn vẫn đang phải đối phó với những thách thức lớn trong việc xử lý mối đe dọa này.
Danh sách những nước như vậy bao gồm một số quốc gia ở Đông Âu cũng như Ấn Độ, Pakistan, Iran, nhiều nước châu Phi và Argentina.
Tiến sỹ Branca cảnh báo ở một số nước, mức độ chất béo chuyển hóa trong một số thực phẩm bày bán phổ biến trên đường phố cao gấp tới 20 lần mức tiêu thụ được khuyến cáo mỗi ngày.
Theo TTXVN/Vietnam+