THÁNG HÀNH ÐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ÐỘNG:
Nhận diện nguy cơ, hạn chế thiệt hại
Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II - năm 2018 (từ ngày 1 đến ngày 31.5) tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi nhận thức, cải thiện điều kiện lao động.
Kiểm soát nguy cơ
Làm việc 15 năm tại Công ty CP Thủy sản Bình Định, anh Nguyễn Văn Thuộc (37 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát) thường xuyên lao động trong môi trường nhiệt độ thấp ở tổ Hầm. Với mức nhiệt -30°C đến -45°C, công việc tại tổ Hầm thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các lao động như anh Thuộc đều phải được trang bị dụng cụ bảo hộ chuyên dụng như: ủng, găng tay, áo chống lạnh.
Công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định được huấn luyện để làm việc an toàn với các thiết bị như máy cưa nhỏ.
“Chúng tôi thường ở trong hầm đông khoảng 30 phút mỗi phiên làm việc. Mọi người thay phiên cho nhau để đảm bảo năng suất lẫn bảo vệ sức khỏe. Nhân viên tổ Hầm có chế độ trợ cấp tiền độc hại cao hơn các bộ phận khác. Chúng tôi được phụ cấp thêm 10.000 đồng cho mỗi 8 giờ đồng hồ làm việc”, anh Thuộc chia sẻ.
Cung cấp đủ dụng cụ bảo hộ, kiểm định các thiết bị, máy móc có nguy cơ gây ra tai nạn như hệ thống cấp đông, máy cưa lớn, máy cưa nhỏ, máy bào cá... là hoạt động thường xuyên của Công ty CP Thủy sản Bình Định. Vừa qua, tại đợt kiểm tra trước Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác AT-VSLĐ tỉnh còn ghi nhận DN có nhiều giải pháp cải thiện yếu tố môi trường làm việc. Ở khu vực nhà máy chế biến của công ty, những mùi tanh hôi thường thấy ở một số đơn vị chế biến hải sản không xuất hiện.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, trao đổi: “Việc kiểm soát các yếu tố có hại ở môi trường làm việc, các thiết bị thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm là yêu cầu bắt buộc để công tác sản xuất và mối quan hệ giữa Công ty với người lao động được bền vững. Đồng thời đây cũng là yếu tố làm tăng sự tin tưởng của đối tác dành cho DN, góp phần thu hút các đơn hàng lớn”.
Là một trong 3 DN tại Bình Định được Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) tặng Bằng khen về công tác AT-VSLĐ, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung chi nhánh Quy Nhơn luôn đặt yêu cầu về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ lên hàng đầu. Ông Đoàn Quang Tuyến, Phó Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung chi nhánh Quy Nhơn, cho biết: “Dù đã được đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại của CHLB Đức và châu Âu có tính an toàn cao nhưng chúng tôi không chủ quan. Hàng năm, DN tổ chức huấn luyện về công tác AT-VSLĐ cho người lao động; khám sức khỏe định kỳ; phối hợp với cảnh sát PC&CC huấn luyện cho đội PCCC; duy trì đội ngũ an toàn vệ sinh viên; cải tiến thiết bị máy móc... Năm 2017, nhà máy không để xảy ra bất kỳ vụ tai nạn lao động nào”.
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Hưởng ứng Tháng AT-VSLĐ năm 2018, các DN, đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định bảo hộ lao động đến các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động; thúc đẩy các DN triển khai các chương trình hành động cụ thể, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Với vai trò là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về AT-VSLĐ cấp tỉnh, Sở cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra việc thực thi pháp luật về an toàn,vệ sinh lao động tại 19 DN trong tháng 4. Trong tháng 5, đoàn kiểm tra liên ngành dự kiến làm việc tại 30 đơn vị.
Theo ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, hiện có 143 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế với khoảng 17.000 lao động. Thời điểm hiện tại, các DN đã đầu tư tương xứng cho công tác AT-VSLĐ. Trong đó, có 70% trong tổng số DN thực hiện tốt công tác môi trường; 75% số DN thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ; 85% số DN thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thay đổi nhận thức người lao động, kêu gọi người lao động chủ động kiểm tra, đề xuất các giải pháp để tự phòng ngừa, bảo vệ bản thân trong sản xuất.
Công ty CP Thủy sản Bình Định cũng đã có kế hoạch cụ thể cho các hoạt động liên quan đến công tác AT-VSLĐ. Trong tháng 5 và tháng 8.2018, Công ty phối hợp đơn vị có chức năng tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ. Đồng thời, thực hiện giám sát môi trường, đo đạc các yếu tố môi trường lao động trong quý II/2018; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong tháng 5; sơ kết, rút kinh nghiệm về công tác AT-VSLĐ, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác này.
Năm 2017, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện AT-VSLÐ để phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” trong Tháng hành động AT-VSLÐ lần I, các DN đã tổ chức huấn luyện AT-VSLÐ cho hơn 12.300 người. Cũng trong năm, Sở LÐ-TB&XH đã tiếp nhận khai báo 518 thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLÐ của 59 DN. Ngành Y tế đã khám sức khỏe định kỳ cho 19.128 người lao động; khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp ở 154 trường hợp tại 4 đơn vị.
NGUYỄN MUỘI