Ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang…
Tối 5.5 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã diễn ra trọng thể, thu hút. Sự kiện này do Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Bình Ðịnh đồng chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của UBND 8 tỉnh, thành phố miền Trung có chung di sản.
Chương trình nghệ thuật "Âm vang nghệ thuật bài chòi". Ảnh: VĂN LƯU
Dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Về phía các cơ quan nước ngoài có ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại sứ, phó đại sứ một số nước tại Việt Nam là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Đại biểu các tỉnh thành dự lễ có các đoàn đại biểu, nghệ nhân của 11 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương của tỉnh.
Lễ đón 20 giờ mới bắt đầu, nhưng từ cuối giờ chiều, những nghệ nhân bài chòi giỏi của Bình Định như: Minh Đức, Hữu Phước, Nguyễn Phú, Quý Nhất… phụ trách biểu diễn cho tiết mục “đinh” mở màn chương trình đã chỉnh tề, hân hoan, sẵn sàng trình diễn. Yêu cầu biểu diễn là tái hiện hội đánh bài chòi dân gian ở Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung, việc mà những nghệ nhân này đã thực hiện hàng trăm, hàng chục lần. Nhưng, hôm nay, họ vẫn thấy hồi hộp, mới mẻ…
Nữ nghệ nhân Minh Đức, một trong những hiệu cao niên của tỉnh, chia sẻ: “Thiệt tình, tôi hồi hộp, xúc động như lần đầu làm hiệu vậy! Không phải vì hô bài chòi tại một sân khấu quy mô quốc gia hay trên sóng truyền hình trực tiếp cả nước mà bởi niềm hạnh phúc, tự hào lớn lao khi chứng kiến lễ đón danh hiệu dành cho bài chòi tổ chức ngay chính trên quê hương mình!”.
Chương trình nghệ thuật mở đầu với tên gọi “Về nơi nguồn cội bài chòi” là một ẩn dụ, khéo léo khẳng định vai trò, ý nghĩa của địa phương Bình Định đối với sự ra đời, phát triển của bài chòi. Các tiết mục tại chương này đã giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật bài chòi cổ dân gian Bình Định nói riêng, nghệ thuật bài chòi Trung bộ nói chung (từ hình thức hô diễn ban đầu đến sự ra đời của bài chòi trải chiếu, bài chòi lên giàn rồi tiếp theo là giai đoạn bài chòi trở thành một loại kịch chủng dân ca chuyên nghiệp của nền sân khấu cách mạng Việt Nam).
Đêm hội liền lạc, ngân vang và dần khép lại với lời gởi gắm - “Ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang” - đó là tựa đề, một câu điệp khúc trong một bài hát mới được sáng tác, có thể nói là dành riêng cho di sản bài chòi, của nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ. Màn hát múa bài hát này cũng là tiết mục chốt lại chương trình nghệ thuật “Âm vang nghệ thuật bài chòi”. Bên cạnh đó, lời hát còn là thông điệp về sự vĩnh cửu của di sản. Âm nhạc hay nghệ thuật nói chung, kỳ diệu là vậy. Chỉ một câu điệp khúc, song âm vang, vững chãi và có sức đánh động, như một lời hiệu triệu toàn dân, nhất là chủ thể văn hóa - cư dân miền Trung - cùng đoàn kết giữ gìn di sản!
Chương trình nghệ thuật của đêm ghi danh bài chòi thật sự khép lại với chùm ca khúc nổi tiếng: Miền Trung nhớ Bác, Đi tìm người hát lý thương nhau, Miền Trung quê mẹ, Ngàn năm phách nhịp bài chòi còn vang, được phối liền mạch trên cùng một chủ đề âm nhạc. Những hình tượng múa khỏe khoắn, trẻ trung kết nối các tiết mục thành một thể thống nhất như bản trường ca về vẻ đẹp của đất và người cùng truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa quê hương miền Trung.
CÔNG TY CP THỰC PHẨM DINH DƯỠNG NUTIFOOD:
Hỗ trợ 5 tỉ đồng cho các CLB bài chòi
Vinh dự và tự hào về việc Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, một người con của quê hương Bình Định, đã quyết định tặng 5 tỉ đồng cho 9 tỉnh có chung di sản bài chòi để hỗ trợ các CLB bài chòi ở các địa phương. Trong đó, Bình Định được hỗ trợ 1 tỉ đồng, 8 tỉnh còn lại được hỗ trợ 500 triệu đồng/tỉnh.
SAO LY