Giữ gìn, phát huy và phát triển di sản bài chòi
Tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tổ chức đêm 5.5 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft - đã có những bài phát biểu quan trọng, Báo Bình Ðịnh xin trích giới thiệu.
Chương trình nghệ thuật “Âm vang nghệ thuật bài chòi”.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Thực hành di sản bài chòi với tình cảm và trách nhiệm
Với 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, Việt Nam đứng thứ 8/177 quốc gia thành viên của Công ước bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt xưa, trao truyền tri thức và bồi đắp tương lai. Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của chúng ta đối với bảo tồn, phát huy bài chòi trước quốc tế, vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại.
Chính vì vậy, tại buổi lễ ý nghĩa này, tôi đề nghị chính quyền, nhân dân 9 tỉnh, thành: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam; và Bộ VH-TT&DL, với tình cảm và trách nhiệm đối với di sản cha ông để lại, cần hợp tác chặt chẽ, triển khai thật nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam, để Nghệ thuật Bài chòi phải được bảo vệ và phát huy bền vững. Cần thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với nghệ thuật bài chòi.
BỘ TRƯỞNG BỘ VH-TT&DL NGUYỄN NGỌC THIỆN:
Chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương có di sản
Để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam, Bộ VH-TT&DL trân trọng công bố và kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023)!
Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương có di sản thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia này. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Định và các địa phương có di sản xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.
BÍ THƯ TỈNH ỦY NGUYỄN THANH TÙNG:
Sẽ làm phong phú thêm giá trị của di sản
Trong thời gian đến, chúng tôi xin hứa với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, tỉnh Bình Định sẽ cùng các tỉnh, thành liên quan và Bộ VH-TT&DL phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý
nhà nước; hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, làm phong phú thêm giá trị của di sản; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, ý thức tự hào của cộng đồng, người dân để từ đó đồng lòng, tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, để Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH HỒ QUỐC DŨNG:
Bài chòi có khả năng trao truyền các tri thức văn hóa dân gian
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản bài chòi, 9 tỉnh Trung bộ dưới sự chủ trì của Bộ VH-TT&DL sẽ quyết tâm xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam. Cụ thể, sẽ tổ chức tập
huấn và kiểm kê di sản hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản và định kỳ tổ chức Liên hoan Bài chòi; xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
ÔNG MICHAEL CROFT - TRƯỞNG VĂN PHÒNG UNESCO TẠI VIỆT NAM:
Tại sao chúng ta lại vinh danh bài chòi?
Bài chòi cốt lõi thực sự là loại hình nghệ thuật xã hội xoay quanh mối quan hệ giữa người với người. Bài chòi nhắc chúng ta về những yếu tố quan trọng, vĩnh cửu của cuộc sống, đó là gia đình, là bạn bè, là ca từ lời hát và là tiếng cười. Tôi cho rằng, đây chính là lý do vì sao bài chòi có vị trí đặc biệt như vậy trong trái tim của mỗi người miền Trung, Việt Nam. Nhưng trên tất cả, bài chòi xuất phát từ mối quan hệ giữa những cá nhân trong cộng đồng và khuyến khích sự tương tác trong xã hội. Vì vậy, nghệ thuật bài chòi thể hiện rõ tầm quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể trong việc tăng cường củng cố xã hội. Và chúng tôi hy vọng rằng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật bài chòi sẽ giúp thêm phần khích lệ để các cộng đồng tiếp tục ủng hộ các hoạt động văn hóa tại địa phương, để các hoạt động văn hóa này sẽ được các thế hệ mai sau kế thừa và phát huy.
Rất vinh dự và hòa chung niềm tự hào!
Khánh Hòa có 60 diễn viên và gần 20 nghệ nhân, nghệ sĩ có danh hiệu đến tham dự Lễ đón Bằng của UNESCO công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và hòa chung niềm tự hào với 9 tỉnh miền Trung. Ở Khánh Hòa, công tác bảo tồn nghệ thuật bài chòi cũng dần được chú trọng. Ngoài có Hội hô bài chòi vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần ở 2 tụ điểm là Trung tâm Văn hóa tỉnh với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, chúng tôi đã sân khấu hóa bài chòi dân gian và đem vào học đường. Sắp tới, bài chòi tỉnh Khánh Hòa sẽ mở rộng đối tượng phục vụ ở sân khấu học đường, các đơn vị bộ đội…
Bà HOÀNG YẾN, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa
Hạnh phúc khi truyền được tình yêu bài chòi cho các con
Xuất phát là người con của Bình Định, vào Khánh Hòa sinh sống năm 30 tuổi, tôi vẫn tiếp tục theo nghiệp hô hát bài chòi của cha. Tại Khánh Hòa, tôi tham gia các gánh hát đến các Hội hô bài chòi. Tôi rất hạnh phúc khi truyền lại cho các con tình yêu bài chòi. Tôi có 4 đứa con nay đã trưởng thành và nối nghiệp bài chòi rất tốt. Khi bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi cảm thấy thật tự hào và vui mừng. Qua đây, tôi tin rằng từng câu thai, từng lời hô hát mang những đạo lý sâu sắc mà dung dị sẽ đến gần với lớp trẻ, gần với thế hệ trẻ hơn nữa.
Ông TRẦN RÍ (75 tuổi), nghệ nhân bài chòi tỉnh Khánh Hòa
Bài chòi ở Quảng Nam phát triển rất tốt
Bài chòi gắn bó mật thiết với đời sống người dân Trung bộ. Hiện nay bài chòi không những là hình thức sinh hoạt vui chơi dân gian mà còn là loại hình để thu hút du khách và quảng bá du lịch. Dựa trên những nghệ thuật bài chòi cổ đã có, Quảng Nam cải biên một ít để phù hợp với khách du lịch. Tuy công tác bảo tồn không sâu như Bình Định nhưng bài chòi ở Quảng Nam phát triển rất tốt. Khi bài chòi được UNESCO công nhận, đây là niềm vinh dự không chỉ của Quảng Nam, Bình Định hay một địa phương riêng lẻ mà đó là niềm tự hào của cả 9 tỉnh miền Trung. Đây cũng là điều kiện để quảng bá di sản văn hóa của các tỉnh Trung bộ thêm rộng khắp.
Bà TRẦN THỊ MỸ LY, Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam
THẢO KHUY (Ghi)
AN NHIÊN (Ghi)
Ảnh: VĂN LƯU