Ðã uống rượu, bia - không lái xe!
Ðể tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng đã và đang chủ động tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Tuyên truyền: sinh động, thiết thực
CA TP Quy Nhơn vừa thực hiện thí điểm việc tuyên truyền “Đã uống rượu, bia - không lái xe” ở các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ. Thiếu tá Phan Đình Điểm, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) CA TP Quy Nhơn, cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, chứ không phải chỉ tập trung xử phạt. Chúng tôi hy vọng thông qua hình thức tuyên truyền trực quan sinh động như thế này, cộng với những quy định cụ thể về xử phạt theo quy định, người sử dụng rượu, bia sẽ có ý thức hơn về việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Tuyên truyền trực quan tại các quán nhậu để nâng cao ý thức người dân “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Quả thực, việc tuyên truyền trực quan đã tác động tích cực đến những thực khách có mặt tại một quán nhậu trên địa bàn phường, khi lực lượng CSGT dán pano và tuyên truyền. “Thi thoảng lai rai với bạn bè mà mức phạt cao quá. Thôi, không uống thêm nữa, tôi sẽ kêu taxi hoặc người nhà ra chở về cho an toàn”, anh Võ Ngọc Ngân, ở phường Hải Cảng, nói.
Với phương châm đánh mạnh vào ý thức của người tham gia giao thông, thời gian qua, song song với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm về giao thông, lực lượng chức năng đã kết hợp tuyên truyền về ATGT tại chỗ. Theo chân tổ tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CA tỉnh, chốt chặn xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tuyến QL 19B đoạn qua địa bàn xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, khoảng 18 giờ một ngày cuối tuần; chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã phát hiện, nhắc nhở, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Ông Trần Quang Thắng, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, bị nhắc nhở về việc không mang giấy tờ xe và có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, nói: “Khi thấy các anh CSGT ra hiệu dừng xe và bị đo nồng độ cồn ở mức 0,082 mg/lít khí thở, tôi hơi lo. Nhưng các anh đã không phạt mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Dù vậy, tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ và tự nhắc bản thân lần sau phải tuân thủ tốt hơn để an toàn cho chính mình”.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT, bên cạnh yếu tố khách quan có nguyên nhân chủ quan từ người tham gia giao thông; trong đó, sử dụng rượu, bia dẫn đến không làm chủ tay lái, gây tai nạn chiếm tỉ lệ không nhỏ. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2018. Chiến dịch cao điểm truyền thông và tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm được tiến hành 3 đợt. Cụ thể, từ ngày 16.4 đến 15.5, 16.8 đến 15.9 và từ 16.12.2018 đến 15.2.2019.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện xử lý trên 1.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Riêng trong dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, đã phát hiện xử lý 41 trường hợp.
Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn của lái xe khi tham gia giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, thực hiện ít nhất mỗi tuần 3 buổi phối hợp với CA các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xử lý về nồng độ cồn. Theo trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT CA tỉnh, nếu như trước đây, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu, bia CSGT mới kiểm tra và xử lý, thì đợt ra quân này, tất cả các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường đều được dừng để kiểm tra. “Để tăng tính hiệu quả, chúng tôi sẽ liên tục thay đổi các tuyến, địa điểm trọng yếu, nhất là những địa bàn phức tạp về ATGT, để tránh sự đối phó của các “ma men”. Tuy vậy, trên thực tế người dân cũng đã phần nào ý thức hơn về việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông”, trung tá Hoài nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, đa số người dân đều nắm được quy định xử phạt mới và có ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông. Tuy vậy, theo ngành chức năng, việc đo nồng độ cồn vẫn còn khó khăn. Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, Đội phó đội CSGT CA tỉnh, cho biết: “Có trường hợp khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, tài xế không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ, chúng tôi phải nhắc nhở và hướng dẫn cả chục lần mới chịu thực hiện đúng; trường hợp khác thì tìm cách câu giờ, thậm chí thách thức. Song bằng nhiều biện pháp vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, chúng tôi đã xử lý những trường hợp “cù nhây” theo đúng quy định”.
Thiết nghĩ, không chờ đến khi lực lượng chức năng “ra tay”, để an toàn cho mình, mỗi người, đặc biệt là nam giới khi tham gia giao thông cần ghi nhớ thông điệp “Đã uống rượu, bia - không lái xe!”.
KIỀU ANH