THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DTTS Ở VÂN CANH:
Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Sau năm 2016, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QÐ-TTg ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ đã kết thúc. Tuy nhiên, tại Vân Canh, việc thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sớm được khắc phục.
Thực trạng: Rối bời
Năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, có 247 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Vân Canh được cấp 291 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) với hơn 294 ha. Trong đó, đất ở có 26 hộ, 0,54 ha; đất sản xuất (màu, rừng, lúa) có 221 hộ, hơn 293 ha.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Đàng và đoàn công tác giám sát việc cấp GCN QSDĐ cho đồng bào DTTS tại huyện Vân Canh.
Với số hộ và diện tích như vậy, việc thực hiện chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo ở Vân Canh còn nhiều bất cập dẫn đến các chương trình, dự án đều thực hiện dang dở, không đạt kế hoạch.
Đặc biệt, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đất đai không tổng hợp, báo cáo được số liệu các hộ DTTS không có GCN QSDĐ. Chúng tôi đã làm việc với cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh nhưng đều nhận được câu trả lời: “Hiện nay, xã chưa có bất cứ thống kê nào về tổng diện tích đất rừng, số hộ có hoặc không có GCN QSDĐ”. Trưởng ban Ban Dân tộc huyện Vân Canh Sô Lan Tài cho biết một thực trạng: Hiện toàn huyện có hơn 3.300 hộ đồng bào DTTS thì có 372 hộ không có đất sản xuất … Nhưng con số này cũng chưa chính xác bởi một số xã chưa thể thống kê cụ thể, rõ ràng số hộ đã có và chưa có GCN QSDĐ.
Trong khi đó, đồng bào DTTS thì chờ mong từng ngày có được GCN QSDĐ. Chị Đinh Thị Hà, làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, cho biết: “Có được GCN QSDĐ sẽ tránh được tranh chấp, dễ chia cho con cháu và đặc biệt là được khai thác, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật”.
Cần sớm có giải pháp
Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện cấp GCN QSDĐ tại Vân Canh đã được các cấp, ngành hỗ trợ. Ông Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, cho biết: “Vừa qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã về giúp 100 hộ dân ở địa phương làm thủ tục cấp GCN QSDĐ. Hiện nay, quỹ đất tại địa phương không còn nên khó có thể hỗ trợ đất ở, sản xuất cho các hộ thiếu đất (phần lớn là tách hộ). Chúng tôi đang quy hoạch cụm công nghiệp rộng 7 ha, hiện đã có 6 DN tham gia, tạo việc làm cho người dân không có đất sản xuất. Với những hộ đã có đất nhưng chưa có GCN QSDĐ, rất cần các sở ngành liên quan hỗ trợ tập huấn chuyên biệt về Luật Đất đai, các quy định, thủ tục pháp lý để người dân tiếp cận kiến thức tốt hơn”.
“Nếu không rà soát, tổng hợp được số hộ thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất thì Vân Canh sẽ khó thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác cho đồng bào DTTS và sẽ chậm phát triển kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội khó được đảm bảo”
Ông TRẦN QUỐC LẠI, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh
Vấn đề không thể thống kê số diện tích đất, số hộ chưa có GSN QSDĐ tại huyện Vân Canh được xác định bởi đa số các thôn, xã, thị trấn không tự cân đối được kinh phí cho việc đo đạc, cấp GCN QSDĐ cho đồng bào DTTS (theo quy định, phải bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương). Mặt khác, hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS còn hạn chế; lại có tâm lý ỷ lại, trông chờ Nhà nước giải quyết nên dễ bị thiệt thòi về quyền lợi. Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Trần Quốc Lại cho rằng: “Nếu không rà soát, tổng hợp được số hộ thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất thì Vân Canh sẽ khó thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác cho đồng bào DTTS và sẽ chậm phát triển kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội khó được đảm bảo”.
Tại buổi làm việc về giám sát việc cấp GCN QSDĐ cho đồng bào DTTS tại huyện Vân Canh, bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát cho rằng, còn nhiều việc phải làm để thực hiện việc giải quyết đất cho đồng bào DTTS như: xây dựng quy hoạch chi tiết, dự án tạo quỹ đất ở, đất sản xuất nông lâm nghiệp ở huyện; rà soát đất đai tại các công ty lâm nghiệp để thu hồi diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả trả lại địa phương để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất. Đặc biệt, tìm các giải pháp đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm... cho đồng bào DTTS.
HẢI YẾN