XE MÁY, Ô TÔ LẮP THÊM ÐÈN VÀ SỬ DỤNG ÐÈN CHIẾU SÁNG KHÔNG PHÙ HỢP:
Nguy cơ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, nhiều người khi điều khiển phương tiện giao thông như xe máy, ô tô sử dụng đèn chiếu sáng (đèn chiếu xa) không phù hợp, nhiều phương tiện còn lắp đặt thêm đèn chiếu sáng, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Khi tham gia giao thông, nhiều lái xe sử dụng đèn pha (đèn chiếu xa) làm lóa mắt người đi đường đối diện, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Hiện nay, các loại đèn chiếu sáng được lắp nhiều cho xe máy như: đèn led trợ sáng C2, C6, L4, L4x, GR30, Led G3, Led mắt mèo nhiều màu (gọi chung là đèn trợ sáng, đèn mắt cú)… được xem là mốt trong giới chơi xe. Không chỉ xe máy mà ô tô cũng lắp đèn trợ sáng để tăng thêm độ sáng, vì nhiều người cho rằng đèn chính hãng của xe không đáp ứng đủ ánh sáng khi tham gia giao thông. Nhưng việc lắp đặt và sử dụng đèn chiếu sáng không đúng cách khi điều khiển xe có thể gây ra tai nạn. Bởi đèn pha thường gồm hai chế độ chiếu sáng - đèn pha (chiếu xa) và đèn cốt (chiếu gần). Khi bật pha, cường độ sáng lớn và chiếu xa giúp người lái xe nhìn thấy những chướng ngại vật từ xa ngay cả khi đi ở tốc độ cao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các lái xe lạm dụng luôn bật pha để lái xe. Bởi đèn pha với góc chiếu cao và cường độ mạnh sẽ làm cản trở tầm nhìn và gây lóa mắt cho những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước cũng khó chịu. Trong một vài tình huống, đèn pha có thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi lái xe đối diện hoặc cùng chiều do không thể quan sát được tình hình giao thông trên đường để phản xạ kịp thời xử lý tình huống.
Lý giải về việc lắp đặt thêm đèn led chiếu sáng cho chiếc xe máy hiệu AirBlade của mình, anh Nguyễn Quốc Đạt (TP Quy Nhơn) cho rằng: “Tôi thường chạy xe vào ban đêm gặp xe ô tô chạy đối diện cứ pha đèn chiếu thẳng vào mắt rất khó chịu, không nhìn thấy đường. Trong khi, đèn xe máy không đủ sáng, khi lắp đèn trợ sáng thì tôi có thể đá pha ngược lại để tài xế xe ô tô nhìn thấy và tắt đèn pha đi, không làm chói mắt mình. Đồng thời, việc lắp thêm dàn đèn chiếu sáng thì xe của mình cũng đẹp hơn nhiều”.
Nhiều xe máy được lắp thêm đèn led trên đầu xe để hỗ trợ chiếu sáng, mỗi khi tham gia giao thông gây khó khăn cho người đối điện.
Hiện nay, khi tham gia giao thông vào ban đêm trong nội thành TP Quy Nhơn sẽ bắt gặp tình trạng xe máy, ô tô sử dụng thêm đèn chiếu sáng các loại liên tục “đá đèn”, sử dụng đèn chiếu xa, gây chói, nhức mắt người đối diện. Có nhiều loại đèn ánh sáng trắng rất mạnh “đâm” thẳng vào mắt người đối diện dễ gây TNGT.
Thậm chí, nhiều xe máy còn độ chế thêm đèn gắn với phanh, dù là vào ban ngày, chỉ cần phanh xe lại thì đèn này liên tục chớp nháy, chói vào mắt người đi đường đối diện. Điều này làm ảnh hưởng trong việc tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy hiểm, dễ gây tai nạn và hại mắt nếu người đi đường tiếp xúc liên tục với ánh sáng chói mắt như vậy.
Chị Trần Thị Thùy Dung (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi thường chở con đi dạo buổi tối, nhưng gần đây tôi không dám ra đường nữa. Vì nhiều lần đi đường, tôi đều gặp cảnh các loại xe máy gắn thêm đèn chiếu sáng cứ chớp nháy liên tục gây nhức mắt khó chịu, còn xe ô tô dù đi trong nội thành vẫn vô tư pha đèn, gây lóa không nhìn thấy đường nên nhiều lúc tay lái của tôi bị loạng choạng sắp ngã xuống đường”.
Theo thiếu tá Phan Đình Điểm, Phó đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát giao thông CA TP Quy Nhơn, hiện nay, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì chỉ quy định xử phạt đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng, ngoài ra không có quy định nào về việc lắp thêm đèn phải xử phạt. Nếu muốn xử phạt thì phải đo được cường độ ánh sáng, nên việc này rất khó xử lý. Chính vì không quy định nên chúng tôi vẫn luôn tuyên truyền, nhắc nhở nên sử dụng đủ thiết bị đèn chiếu sáng. Còn đối với xe ô tô hoặc xe tương tự ô tô, việc sử dụng đèn vào ban đêm trong nội thành, thì hành vi độ chế đèn và dùng đèn chiếu xa (đèn pha) hoàn toàn bị cấm, nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định.
* Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Ðiều 5 và điểm g, khoản 1, Ðiều 6 Nghị định 46/2016/NÐ-CP ngày 26.5.2016 thì xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, bị phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: “Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều”.
* Tại khoản 12, Ðiều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
NGUYỄN KIM