Kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2018):
Điện Biên chảy mãi trong phim Việt
Không chỉ tiếp cận những xu hướng mới, phim Việt còn có nhiều tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, những chiến thắng vẻ vang của dân tộc phục vụ khán giả.
Trong đó, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhiều năm qua là chất liệu để các nhà làm phim trong nước cho ra đời những tác phẩm điện ảnh chất lượng và mang nhiều giá trị nghệ thuật.
Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về phim truyện điện ảnh, phim tài liệu trong và ngoài nước về chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 64 năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành đề tài thu hút nhiều nhà làm phim nước ngoài cũng như Việt Nam. Các phim tài liệu nổi tiếng về Điện Biên Phủ do quốc tế thực hiện phải kể đếnViệt Nam của đạo diễn Roman Karmen, Điện Biên Phủ: Cuộc chiến giữa hổ và voi (đạo diễn Daniel Russel), Điện Biên Phủ (đạo diễn Pierre Schoendoerffer)... Các bộ phim tài liệu nước ngoài kể trên đã được công chiếu rộng rãi tới khán giả nước ta thời gian qua, qua đó tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954.
Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc về Điện Biên Phủ cũng đã ra đời. Khán giả nước ta vẫn còn nhớ và yêu mến bộ phim chiến tranh bán tài liệu Hoa ban đỏ (1994) của đạo diễn Bạch Diệp. Hoa ban đỏ có cách làm độc đáo vì không quá tập trung vào những cảnh chiến đấu, những hình ảnh tang thương mà chủ yếu khai thác những khoảng lặng của chiến tranh như hình ảnh người chiến sĩ cùng hát với nhau khi nghỉ giải lao, cảnh văn công lên tận chiến trường biểu diễn động viên tinh thần bộ đội, cảnh đào hầm thầm lặng và ngột ngạt trong đêm. Bộ phim này cũng khiến người xem rơi nước mắt với cảnh anh thương binh bị thương ở đầu đang gào thét xung phong rồi bỗng ngoan như đứa trẻ con ngồi chơi bắn bi với Tấm. Nhưng trên hết, Hoa ban đỏ đã đem đến cho người xem thấy được ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử.
Bên cạnh đó, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khán giả đã được thưởng thức tác phẩm điện ảnh Ký ức Điện Biên của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Bộ phim này có cách dẫn chuyện và nội dung qua những hồi tưởng về Điện Biên của nhân vật Bạo và Bernard. Qua Ký ức Điện Biên, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã đưa khán giả đến với ký ức và hiện tại, giữa hồi tưởng quá khứ và mong ước tương lai. Những cảnh chiến đấu trong phim này được đặc tả một cách chân thực, sống động và người xem còn cảm nhận được vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất Điện Biên với màu trắng tinh khiết của hoa ban hay một khao khát hòa bình qua điệu múa cầu hồn, hình ảnh những người lính Pháp hóa thành những con bồ câu trắng trong trí tưởng tượng của Bernard.
Trải qua thời gian, Điện Biên Phủ vẫn là tài hấp dẫn (nhưng cũng rất khó làm) đối với các nhà làm phim trong nước, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, lần đầu tiên điện ảnh Việt xuất hiện bộ phim truyền hình 25 tập Đường lên Điện Biên (kịch bản Lê Ngọc Minh, Khuất Quang Thụy) do đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng thực hiện. Bộ phim này của Bùi Tuấn Dũng được các chuyên gia và khán giả dành tặng nhiều lời ngợi khen, yêu mến vì là một người trẻ sinh ra trong thời bình nhưng anh đã dùng tài năng, sức trẻ để thực hiện một bộ phim về đề tài chiến tranh vốn khó làm và cũng kén người xem.
25 tập phim truyền hình Đường lên Điện Biên tập trung khai thác tính nhân văn và số phận những con người tham gia cuộc chiến. Đó là những chàng trai Hà Nội để lại gia đình, tình yêu học trò và cả sự nghiệp học hành để lên đường kháng chiến. Trên con đường hành quân, tiểu đoàn Vệ quốc đoàn tình cờ gặp một đoàn dân công gồm 500 cô gái vận chuyển lương thực lên Điện Biên. Tại Việt Nam đến nay, Đường lên Điện Biên là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên về chiến tranh được đầu tư kỹ lưỡng, tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó đi sâu vào yếu tố con người, khắc họa được rõ nét, chân thực và sống động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân trên nền thực tế của cuộc chiến tranh ác liệt năm xưa. Đường lên Điện Biên cũng nhấn mạnh tài thao lược của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, tính nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phản ánh rõ nét sức mạnh chiến tranh nhân dân. Ở đó là tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết quân dân, tình cảm của đồng bào vùng Tây Bắc đối với các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Hơn hết là ý chí quyết tâm, đồng lòng của quân và dân cùng hướng về Điện Biên với niềm tin chiến thắng.
Nhiều khán giả sau khi xem Đường lên Điện Biên đều có chung cảm nhận yếu tố con người, tính nhân văn nổi bật nhất. Và khán giả còn cảm nhận rõ tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng, thấm đẫm và xuyên suốt trong bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên tại Việt Nam về Điện Biên Phủ.
Theo Quỳnh Phạm (Suckhoedoisong.vn)