Những giai điệu của ký ức (*)
Cô bé HaNa Hasimoto đăng ký tham dự cuộc thi tài năng của trường với một tiết mục độc tấu vĩ cầm trong khi cô bé mới chập chững học vĩ cầm không lâu. Điều ấy làm cho hai anh trai KenJi và KoJi của cô bé hết sức ngạc nhiên và lo lắng. Mặc kệ sự “quan ngại” từ phía hai người anh trai, HaNa lao vào tập luyện để đến với cuộc thi.
Khi HaNa chơi vĩ cầm, những hình ảnh về ông nội khả kính của cô bé lại ùa về: “Cây vĩ cầm của nội luôn miệt mài tấu lên những bản nhạc kinh điển của Mozart, Mendelssohn hay Bach. Những buổi tối đẹp trời, nội ngồi trên hiên nhà, chơi đàn theo yêu cầu của các cháu trong khi HaNa cùng các anh ăn kem và nhấm nháp ly kem”. Và ở miền tuổi thơ trong trẻo ấy, HaNa luôn đòi nội chơi “bản nhạc quạ mẹ cất tiếng kêu da diết gọi bảy chú quạ con”. Mỗi lần giai điệu ấy ngân lên, cô bé lại cảm thấy người run lên vì cảm xúc buồn đau xen lẫn hạnh phúc. Nội của HaNa còn có thể kéo cây vĩ cầm phát ra tiếng kêu của các loài động vật, côn trùng hết sức thú vị. Những ký ức về nội, cứ theo tiếng vĩ cầm hiện về trong lòng cô bé HaNa khi cô luyện tập, tựa thể như nội đang ở bên cạnh cô bé ngay lúc đó vậy.
Khi thể hiện phần trình diễn tại cuộc thi, HaNa kéo cây vĩ cầm ngân lên những thanh âm, ngộ nghĩnh và đáng yêu: “Đây là tiếng quạ mẹ gọi con”, HaNa lên tiếng. Cô tì cây vĩ cầm dưới cằm, đặt chiếc vỹ vào vị trí và chơi ba nốt quác quác quác thô mộc. Bài thi độc tấu của HaNa còn có âm thanh của tiếng những chú ong vo ve, tiếng bò kêu à uồm, tiếng chuột rúc chít chít… Đó là những giai điệu của ký ức, giai điệu của yêu thương. Chính giai điệu ấy giúp HaNa vượt qua nỗi lo lắng để thể hiện niềm đam mê âm nhạc của mình.
Tiếng vĩ cầm của nội là câu chuyện ngợi ca âm nhạc, lòng đam mê cùng tình cảm gắn bó giữa cô bé HaNa và ông nội mình. Tác phẩm có sự phối kết giữa lời kể nhẹ nhàng và hình ảnh minh họa sinh động với câu chuyện giản dị mà ý nghĩa. Hẳn rằng, Tiếng vĩ cầm của nội sẽ là một trong những lựa chọn xác đáng của các bậc phụ huynh dành cho con trẻ của mình.
VÂN PHI
(*): Đọc Tiếng vĩ cầm của nội (Chieri Uegaki và Qin Leng, Ngọc Thư dịch, NXB Kim Đồng, 2018)