Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc bãi nhiệm bà Phan Thị Mỹ Thanh
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về quy trình, thủ tục bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HG
Theo dự kiến chương trình Phiên họp 24 diễn ra từ 14-16.5, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự.
Ngày 14.5, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình bày tờ trình, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi chủ tọa kết luận.
Trao đổi với báo chí ngày 8.5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về quy trình, thủ tục bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội đề nghị bãi nhiệm.
Tại Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ, ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH tán thành.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 4.5 vừa qua, Ban Bí thư nhận định, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà.
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Thanh bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Đồng thời, đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Cũng theo dự kiến chương trình, tại Phiên họp 24, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017; xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.
Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) cũng sẽ được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Hương Giang (Thanh tra)