Nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở:
Càng khó khăn càng cần sáng tạo
Khó khăn, lúng túng..., thực trạng đã “biết rồi, nói mãi” ấy tiếp tục được nêu tại Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở do Bộ VH-TT-DL tổ chức hôm qua 17.9 tại Hà Nội.
Có điều, cùng với việc “kêu khó”, đại diện nhiều tỉnh, thành cũng đã nêu lên những giải pháp vượt khó và không ít trong số đó được đánh giá là cách làm sáng tạo, ít nhất cũng để “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” trong bối cảnh hiện nay.
“Bắt được bệnh” nhưng lại khó... “chữa bệnh”
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, các thiết chế văn hóa, thể thao trên cả nước sau một thời gian lúng túng trong hoạt động khi mới chuyển đổi cơ chế, nay đã thích ứng và từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường; một số Trung tâm VH-TT được đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động và khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bằng nhiều biện pháp và phương thức, các Trung tâm VH-TT đã thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần phát triển KT- XH của các địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều cái khó cũng đã bộc lộ trong quá trình hoạt động. Theo ông Ngô Hoài Chung, nhìn thấy khá rõ là khi triển khai thực hiện các Thông tư về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn như: tiêu chí xếp hạng các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh và Trung tâm VH-TT cấp huyện; điều chỉnh tiêu chí về quy hoạch đất sử dụng của Trung tâm VH-TT cấp xã, Nhà Văn hóa- Khu Thể thao thôn ở vùng miền núi và đô thị cho phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho hay, đối với các huyện miền núi, để đáp ứng đủ điều kiện về diện tích, quỹ đất xây dựng các sân vận động theo chuẩn là rất khó khăn, vì vậy, nên linh hoạt với những tiêu chí phù hợp với mỗi vùng, miền.
Xuất phát từ những đặc thù hoạt động văn hóa cơ sở, nhà văn hóa xóm, thôn, bản luôn là một thiết chế đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, các nhà văn hóa lại là địa chỉ chung cho mọi hoạt động của các đoàn thể chính trị tại xóm, thôn, làng, ấp bản nên hiệu quả chưa cao, trong khi mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng thì ít đạt được.
“Nên chăng cần có cơ chế tách bạch để các nhà văn hóa này hoạt động hiệu quả, đúng như tiêu chí xây dựng đặt ra. Chưa kể, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hoạt động tại các thiết chế này đang rất mỏng, vừa kiêm nhiệm vừa thiếu trình độ...”, ông Vĩnh cho biết thêm.
GĐ Trung tâm Văn hóa- Triển lãm tỉnh Hà Giang, ông Hồ Việt Sơn cho hay, Hà Giang cũng như nhiều địa phương miền núi khác đều “thấm” cái khó của các tỉnh vùng cao về địa bàn, dân trí, những khoảng cách chênh lệch... Ở cấp tỉnh, chủ yếu là cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp; trang thiết bị hoạt động lạc hậu; đội ngũ cán bộ thiếu thốn... Còn ở cấp cơ sở, khó khăn là vô số. Nhất là đối với 6 xã đặc biệt khó khăn ở Hà Giang thì việc có thể đáp ứng các tiêu chí xây dựng nhà văn hóa 400 chỗ ngồi, SVĐ theo diện tích tiêu chuẩn là chuyện vẫn ở... trong mơ.
Còn nhiều những khó khăn khác đã được liệt kê. Có điều, đó là những khó khăn không mới. Nói như Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, xử lý cái khó này không phải cơ học như một phép tính. “Bắt được bệnh” nhưng “chữa bệnh” lại khó vô cùng.
Cần những phương thức đổi mới, sáng tạo
Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, mô hình hoạt động hiện nay của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong cả nước đang rất khác nhau và sắp tới sẽ được điều chỉnh bởi Thông tư liên tịch giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ. “Dù mô hình như thế nào thì điều quan trọng là không áp đặt cứng nhắc giữa địa bàn này với địa bàn khác, vùng, miền này với vùng, miền khác. Cần xuất phát từ đặc thù của mỗi vùng, miền để phát huy cao nhất hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở... “, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chỉ đạo.
Ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, mô hình hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn đang là một “câu chuyện” dài. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đã sáng tạo những phương thức hoạt động mới mẻ; các Trung tâm văn hóa tích cực đổi mới các loại hình nghệ thuật phù hợp với trình độ thưởng thức ngày càng cao của nhân dân.
Nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên được tổ chức đã thu hút một lượng lớn các diễn viên nghiệp dư- hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Từ đó, Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố đã khẳng định vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho hệ thống Nhà văn hóa cơ sở...
Ông Đỗ Văn Hạnh, PGĐ Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình chia sẻ, ở tỉnh miền núi như Hòa Bình thì hoạt động của các đội văn nghệ xóm, bản đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Hòa Bình đã lựa chọn việc đầu tư cho hoạt động của các đội văn nghệ như một giải pháp thiết thực nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Từ năm 2013, tỉnh chi 4 tỉ đồng/ năm để hỗ trợ cho hoạt động của các đội văn nghệ thôn, xóm, bản.
Còn ở Nghệ An, cơ chế đầu tư được xây dựng khá rõ ràng, đối với địa bàn vùng núi cao tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng nhà văn hóa; vùng trung du hỗ trợ 60% và vùng thấp hỗ trợ 40%. Nhờ vậy, đến nay ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã có được một hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.
Trước thực trạng đời sống văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tiêu cực thì những cách làm sáng tạo, nỗ lực vượt khó tại các địa phương đang được xem là những giải pháp tích cực. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, khó khăn còn nhiều và không thể được giải quyết nhanh chóng, vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ văn hóa cần nỗ lực, sáng tạo tích lũy từ “lượng” để biến đổi thành “chất”. Càng khó khăn thì đòi hỏi sự sáng tạo càng lớn và bền bỉ...
. Theo Anh Thu (Văn Hóa online)