TỤT HẠNG CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH:
Nhận diện hạn chế, nỗ lực khắc phục
Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 được Bộ Nội vụ công bố mới đây, Bình Ðịnh đứng thứ 59/63 tỉnh, thành; giảm 18 bậc so với năm 2016. Cần phải xác định nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng này để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của Bình Định đạt 70,29/100 điểm; trong khi điểm bình quân của cả nước là 77,72. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, qua phân tích các chỉ số thành phần, nguyên nhân chính của sự tụt hạng là do điểm số trên một số lĩnh vực có sự sụt giảm hoặc đạt điểm thấp.
Chưa hiện đại hóa nền hành chính
* Xin ông cho biết cụ thể về các lĩnh vực có sự sụt giảm hoặc đạt điểm thấp?
- Đáng chú ý là lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính chỉ đạt 5,99/16 điểm. Trong đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ở mức trung bình thấp (2,2/4,5 điểm) do Đề án kiến trúc chính quyền điện tử chưa triển khai thực hiện dù đã được phê duyệt. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, Bình Định là 1 trong 8 tỉnh không có điểm; dù tỉnh đã triển khai nhưng người dân chưa quen, ít sử dụng nên giao dịch phát sinh đạt tỉ lệ thấp (dưới 10%).
Trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), tỉnh chỉ đạt 9,7/14,5 điểm. Nguyên nhân là việc đăng nhập TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi công bố không kịp thời (1,5/4 điểm); số TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông giữa các ngành còn thấp, công tác phối hợp trong giải quyết các TTHC có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thiếu chặt chẽ, đồng bộ, thời gian thực hiện thường bị chậm so với quy định chung (3,25/4,5 điểm).
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác trong công tác CCHC có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh thực hiện kiểm tra tại bộ phận một cửa của UBND phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn.
* Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của Bình Định lần lượt xếp thứ 18 và 8, nhưng chỉ số CCHC (Par index) lại xếp thứ 59. Theo ông, liệu có sự mâu thuẫn nào ở đây?
- Mỗi bộ chỉ số có tiêu chí và phương pháp đánh giá, xác định khác nhau nên kết quả có sự chênh lệch là điều có thể chấp nhận được. Điểm chung nhất mà các bộ chỉ số nói trên cùng hướng tới là đo lường sự nỗ lực của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong phục vụ người dân và DN, trong quản lý điều hành các mặt hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ CCHC.
Bộ chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc theo 8 lĩnh vực của công tác CCHC, gồm 38 tiêu chí và 81 tiêu chí thành phần; thang điểm đánh giá là 100. Số điểm đạt được của tỉnh qua kết quả thẩm định của các bộ, ngành là 39,8/62 điểm; qua khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân là 12/12 điểm; qua khảo sát đánh giá của cán bộ lãnh đạo, quản lý là 16,21/22,5 điểm; qua kết quả tác động của CCHC đến phát triển KT-XH của địa phương là 3/3,5 điểm.
Như vậy, có thể nói dù tổng số điểm đạt được của tỉnh không cao nhưng một số tiêu chí thành phần đạt điểm khá cao. CCHC đóng góp tích cực vào kết quả phát triển KT-XH và tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến sự hài lòng của người dân với 15/15,5 điểm, xếp 16/63 tỉnh, thành - tương đồng và phù hợp với kết quả xếp hạng của chỉ số PCI và PAPI.
Khắc phục ngay tình trạng sách nhiễu dân
* Trên cơ sở nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng chỉ số CCHC, là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho tỉnh về công tác CCHC, ông có thể cho biết những giải pháp để cải thiện tình hình?
- Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phải cải thiện, nâng cao thứ hạng chỉ số CCHC cấp tỉnh đồng bộ với chỉ số PCI và PAPI với yêu cầu xây dựng nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và tổ chức.
Để đạt mục tiêu đó, trước hết cần phân tích, đánh giá sâu và có tính hệ thống về các chỉ số, có sự so sánh giữa các năm để nhận diện chính xác các mặt còn hạn chế và nỗ lực khắc phục. Trong quá trình thực hiện cần xác định những lĩnh vực ưu tiên, có tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH và sự hài lòng của người dân để thực hiện trước, tạo sự đột phá, thúc đẩy các lĩnh vực còn lại. Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì ở đó CCHC có sự chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả cao.
* Vậy, đâu là cách làm cụ thể trên từng lĩnh vực công tác, thưa ông?
- Với CCTTHC - lĩnh vực còn nhiều hạn chế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện TTHC, công khai quy trình, trách nhiệm, thời gian giải quyết. Đồng thời, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của người dân và tổ chức bằng các hình thức phù hợp nhằm phát hiện các biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ. Từ đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; khắc phục ngay tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu; xử lý nghiêm và thực hiện điều chuyển cán bộ, công chức vi phạm. Tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình giải quyết TTHC.
Về hiện đại hóa nền hành chính, cần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; nhân rộng mô hình một cửa hiện đại, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương cùng với khuyến khích người dân và tổ chức tham gia. Đặc biệt, khẩn trương triển khai thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
* Xin cảm ơn ông.
“Tại hội thảo công bố chỉ số CCHC năm 2017 của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh được tổ chức tới đây, tỉnh sẽ mời các chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực CCHC tham gia phân tích nguyên nhân, đóng góp các giải pháp cụ thể để tỉnh nâng cao chỉ số CCHC”.
Giám đốc Sở Nội vụ LÂM HẢI GIANG
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
Công tác CCHH để đạt được bằng các tỉnh không bị tụt hậu, trước hết SNV là cơ quan phải gương mẫu trước thì mới nói được các cơ quan khác. Muốn thực hiện tốt CCHC thì trên quan điểm là phải kiểm tra lại cán bộ ở bộ phận một cữa các cấp có đủ đức đủ tài nếu cấp nào không đạt thì loại bỏ ra khỏi bộ máy vì phần lớn là CB con ông cháu cha bố trí bộ phận này ưng thì làm không ai dám dám làm gì, vì có chỗ dựa vững chắc . Một điêu tôi mong muốn để cho dân giàu nước mạnh xã hội ngày càng phát triển thì công tác CCHC phải đi trước một bước người lãnh đạo cũng phải nói đi đôi với làm ít nhất cũng đạt 50% chủ trương đề ra có như vậy BĐ có thể theo kịp các tỉnh bạn chứ năm nào cũng bị tụt hậu người dân như tôi cũng thấy xấu hổ.