Cần coi trọng công tác tư vấn tâm lý học đường
Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ học sinh tự tử - cả trong và ngoài tỉnh, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện trạng này và một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường. Cuối năm 2017, Bộ GD&ÐT đã ban hành Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, từ ngày 2.2.2018, các trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp không ít khó khăn.
Ở lứa tuổi học đường, sự hưng phấn luôn mạnh hơn sự ức chế (ảnh mang tính minh họa).
Khi hưng phấn mạnh hơn ức chế
Cuối tháng 4 vừa qua, hai vụ học sinh trong tỉnh tự tử đã để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình, bạn bè, nhà trường và cả xã hội. Trước đó, các cơ quan báo chí cũng đã đưa tin một số vụ học sinh tự tử, các nhóm học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể, tình trạng học sinh đánh nhau, trầm cảm học đường ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
Theo các chuyên gia tâm lý, học sinh hiện nay chịu quá nhiều áp lực. Ở trường là áp lực bài vở và quan hệ với thầy cô, bạn bè. Ở nhà hoặc là sự thiếu quan tâm hoặc là sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ. Ra ngoài xã hội, các em non nớt trước nhiều cám dỗ.
ThS Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn kể: “Nhiều em đã khóc với tôi khi cho biết thường bị la mắng một cách vô cớ và cả thầy cô lẫn bạn bè không hề quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của các em lúc đó”.
Uất ức dồn nén dẫn đến hành động tiêu cực là điều dễ hiểu bởi lứa tuổi học sinh - đặc biệt là học sinh cấp THCS - thì “hưng phấn mạnh hơn ức chế”. Chính vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học sinh rất quan trọng, và trong trường hợp cụ thể này, công tác tư vấn chỉ có ý nghĩa, hiệu quả ở mức độ đầu - tức là lúc học sinh có ý định tự tử hoặc thậm chí trước đó.
Đừng “làm cho có”
Tháng 12.2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT, hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, từ ngày 2.2.2018, các trường phổ thông phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh về giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Thành phần tổ tư vấn gồm đại diện lãnh đạo nhà trường; cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học; cán bộ, giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội; đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp.
Qua tìm hiểu, đến nay, đa số các trường phổ thông trong tỉnh đã thành lập tổ tư vấn, tổ chức một số hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung tư vấn tâm lý học đường; đồng thời, giao nhiệm vụ cho giáo viên một số bộ môn chú trọng tích hợp các nội dung liên quan vào bài giảng trên lớp. Giáo viên chủ nhiệm các lớp, đặc biệt ở các trường nội trú, tích cực phối hợp với phụ huynh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Tuy nhiên, nói về hiệu quả của công tác tư vấn thì một số giáo viên thừa nhận dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa được như mong muốn, lý do là kỹ năng tư vấn của bản thân hạn chế, học sinh chưa thật cởi mở và gặp khó khăn trong phối hợp với một số phụ huynh.
Phân tích sâu về vấn đề này, ThS tâm lý Nguyễn Thị Thùy Trang cho rằng, khi học sinh gặp vấn đề, cần được giải tỏa tâm lý, giáo viên thường đưa ra lời khuyên, nhưng lời khuyên đó có phù hợp với học sinh hay không lại là chuyện khác. Cũng giống như bố mẹ làm tất cả mọi việc và nghĩ điều đó tốt cho con, nhưng đôi khi vô tình làm hại con. Công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng nhưng nếu đội ngũ làm tư vấn không được đào tạo bài bản thì sẽ dễ rơi vào tình trạng nửa vời, thậm chí là hình thức, “làm cho có”.
“Chúng tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí cho các trường, có thể một tuần hai lần làm việc với ban tư vấn của trường. Hoặc trong một số trường hợp, giáo viên thấy khó thì chia sẻ với chúng tôi để trao đổi ý kiến với nhau”, ThS Thùy Trang bày tỏ.
NGỌC TÚ