“Kiến văn” là gì?
“Kiến văn” là một từ cũ, nay ít được sử dụng. Hơn nữa, từ này thường xuất hiện nhiều trong lĩnh vực văn chương, nên một số người cho rằng “kiến văn” có nghĩa là “kiến thức về văn chương”. Thoạt nghe có vẻ hợp lý. Khá nhiều người liên tưởng “kiến” trong từ “kiến thức” và “văn” trong từ “văn chương”, “thơ văn”.
Nhưng thật ra, từ “kiến văn” có nghĩa khác hoàn toàn, không liên quan gì đến chuyện văn chương cả. Trong từ này, “kiến” (chữ cũng là bộ, bộ kiến) có nghĩa là “thấy, trông thấy”; “văn” (bộ nhĩ) có nghĩa là “nghe, nghe được”. Cho nên cổ nhân mới có câu “bách văn bất như nhất kiến” mà tiếng Việt có thành ngữ tương đương là “trăm nghe không bằng một thấy”.
Như vậy, “kiến văn” có nghĩa là “nghe và thấy”. Từ nghĩa gốc này, từ “kiến văn” được dùng với nghĩa chuyển để chỉ những điều “tai nghe, mắt thấy”, rồi mở rộng thành “những điều hiểu biết, tri thức”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) giảng nghĩa như sau, “kiến văn” là “những điều mắt thấy tai nghe, những điều hiểu biết (nói khái quát); kiến thức” (tr.522).
Cho nên, nói “một người có kiến văn rộng” có nghĩa là người ấy có hiểu biết rộng ở nhiều lĩnh vực chứ không thứ gì riêng hiểu biết về văn chương. Nhà bác học lớn của nước ta là Lê Quý Đôn (1726- 1784) có bộ tác phẩm nổi tiếng là Kiến văn tiểu lục. Nhan đề này có nghĩa là “ghi chép nhỏ nhặt về những điều (mà tác giả) nghe thấy, hiểu biết”. Nội dung bộ sách gồm 12 quyển này đề cập đến nhiều lĩnh vực rộng lớn từ lịch sử, văn hóa đến địa lý, kinh tế, giao thông… của Đại Việt từ đời Trần đến đời Lê.
Nghĩa đúng của “kiến văn”, như đã nói, là tri thức nói chung. Trong một số ngữ cảnh, thay vì viết chi tiết, diễn giải nhiều, ta có thể dùng từ “kiến văn” nhờ nội hàm rộng của nó.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ