Gia đình cần quan tâm giáo dục con trẻ
Những phiên tòa hình sự mà bị cáo là thanh thiếu niên gần đây cho thấy, có muôn vàn lý do để các bị cáo phạm tội, với nhiều tội khác nhau, từ trộm cắp, cướp tài sản đến cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, mà nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ sự lơ là, thiếu quản lý của gia đình các bị cáo.
Bị cáo Đô, Thiện tường thuật lại hành vi cướp tài sản tại tòa.
Gia đình lơi lỏng
Ngày 11.5, TAND TP Quy Nhơn đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Đô (SN 2003) 21 tháng tù giam, Hàng Văn Thiện (SN 2000, cùng ở TP Quy Nhơn) 27 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Điều đáng nói trong vụ án, chỉ đến khi cơ quan chức năng thông báo, cha mẹ các bị cáo mới biết con mình phạm tội.
Dự tòa với vai trò là người giám hộ, bà P. (mẹ bị cáo Thiện) cho rằng, do gia cảnh khó khăn, bản thân bà lo làm nên thiếu sự sát sao con cái, để con bị lôi kéo, rủ rê phạm tội. Đành rằng, Thiện phạm tội là do bị lôi kéo, tuy nhiên nếu gia đình không buông lỏng quản lý, thì đâu ra cơ sự như hôm nay. Vị hội thẩm tại tòa nhấn mạnh: “Thiện đang trong độ tuổi đi học, nhưng gia đình lại không quan tâm định hướng cho con, con chơi gì và chơi với ai cũng không hay biết, như vậy không thể cho rằng gia đình vô can trong việc con trẻ phạm tội được”.
Tại thời điểm phạm tội, cả 2 bị cáo nói trên chỉ mới 14 và 16 tuổi. Trước tòa, trả lời câu hỏi tại sao đi cướp điện thoại, Đô nói: “Vì cần tiền chơi game”; còn Thiện cũng thừa nhận: “Bị cáo đang cần tiền tiêu nên khi được Đô rủ thì đồng ý ngay”. Đáng nói, Thiện cũng là đối tượng bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội trộm cắp tài sản.
Chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trường hợp của Đô và Thiện, song T.H.D. (SN 2005, TP Quy Nhơn) cũng là đối tượng “có số”, bởi nhiều lần bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản. Vì chưa đủ tuổi, nên sau mỗi lần vi phạm như vậy, D. lại được gia đình bảo lãnh về. Tuy nhiên, thay vì tìm cách giáo dục và quản lý con tốt hơn thì cha của D. lại cho rằng “gia đình giờ hết cách rồi, chỉ biết nhờ các anh công an quản lý giúp”. “Nhiều trường hợp gia đình khoán trắng cho chúng tôi với lý do không biết phải dạy bảo thế nào. Còn khi đề cập đến việc cùng phối hợp giáo dục, thì họ thường lảng tránh và phó mặc”, thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chánh Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, CA tỉnh, nói.
Cần quan tâm, sẻ chia
Hầu hết những trường hợp có con phạm tội là do cha mẹ chỉ lo làm ăn mà thiếu sự quan tâm, giáo dục, định hướng, hoặc ở thái cực ngược lại là chiều con vô lối. Để rồi khi sự việc đáng tiếc xảy ra, họ lại bất ngờ, cho rằng do con mình bị bạn bè xấu lôi kéo. Trong một phiên tòa xử tội giết người mà các bị cáo có tuổi đời rất trẻ tôi có dịp chứng kiến, vị thẩm phán đã hỏi mẹ bị cáo: “Chị thấy hành động của con chị có nguy hiểm không?”. Thay cho câu trả lời, mẹ của bị cáo hỏi lại tòa: “Có ai muốn con mình hư hỏng, phạm tội không, thưa tòa?”. “Vậy tại sao gia đình không giáo dục con em mình tốt hơn?” Mẹ bị cáo thản nhiên trả lời: “Tôi đâu thể theo nó thường xuyên, do nó chơi với bạn xấu nên mới như vậy!”.
Tại phiên tòa xét xử 2 bị cáo Thiện và Đô nói trên, người nhà các bị cáo đều bật khóc vì ân hận. Dì và ngoại của bị cáo Đô thừa nhận: “Cháu từ nhỏ đã không có cha, rồi lại thiếu vòng tay chăm sóc của mẹ, từ năm 2 tuổi đã sống với ngoại. Mà tôi cũng già rồi, nên không kiểm soát hết được. Thấy cháu hàng ngày cũng chỉ quanh quẩn gần nhà, chứ có ngờ đâu nó mê game rồi phạm tội như vậy. Tội lỗi của cháu ngày hôm nay, một phần là do chúng tôi đã thiếu quan tâm”. Theo vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, thì hành vi phạm pháp của các em, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình.
Chính sự không ngờ này mà chặng đường đầu tiên khi vào đời của các em đã không thể suôn sẻ như những người khác. Và bản án lương tâm dành cho những người làm cha, làm mẹ là khá nặng, bởi họ đã vô tình đẩy con em mình vào vòng lao lý.
KIỀU ANH